7 tinh, thanh khu vuc Nam song Hau lien ket phat trien kinh te-xa hoi hinh anh 1
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Ngày 19/10, Hội nghị trực tuyến liên kết, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội giữa 7 tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu đã được tổ chức.

Lãnh đạo các tỉnh, thành cùng thảo luận về 7 lĩnh vực là y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ-du lịch-thương mại, lao động việc làm, thông tin truyền thông và giáo dục; đặc biệt là tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố thống nhất phương án quản lý di chuyển giữa các địa phương ở cấp độ 1 và cấp độ 2, tạo điều kiện cho người dân lưu thông; thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung về công tác phòng, chống dịch để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của các địa phương.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương thống nhất xây dựng cơ sở chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị nội vùng để kịp thời hỗ trợ địa phương công tác tiếp nhận, điều trị hiệu quả bệnh nhân.

Thực hiện theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông Vận tải về tổ chức hoạt động vận tải của 4 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không), các địa phương cho phép hoạt vận tải hàng hóa nội địa, liên tỉnh bằng ôtô, đường thủy, bến thủy, cảng thủy nội địa và vận chuyển công nhân, chuyên gia trong nội địa, liên tỉnh bằng ô tô với tần suất 100%.

Để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, các tỉnh trong khu vực chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản bằng ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử; triển khai các chương trình kích cầu du lịch, liên kết phát triển du lịch, thí điểm mở cửa đối với các khách sạn của 7 tỉnh, thành phố; tạo điều kiện cho du khách thuê phòng khi đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Các tỉnh sẽ cung cấp thông tin nhu cầu lao động việc làm cho nhau thông qua các sàn giao dịch việc làm để tìm hiểu, giới thiệu lao động, việc làm trong 7 tỉnh, thành phố. Các tỉnh sẽ ban hành dự thảo phối hợp trong lĩnh vực giáo dục.

Trong liên kết, phối hợp hiệu quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đề xuất, vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa kiểm soát dịch COVID-19 và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128/NQ-CP không nên mỗi nơi, mỗi chỗ ban hành quy định riêng, làm khó cho người dân, doanh nghiệp.

[ĐBSCL khôi phục sản xuất: Doanh nghiệp thích ứng tình hình mới]

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19, địa phương nào còn chốt nên tập trung kiểm soát phòng dịch chứ không kiểm soát việc đi lại để tránh làm khó liên thông giữa các tỉnh, thành trong khu vực vì lượng hàng hóa, người lao động qua lại giữa các tỉnh rất lớn.

Đồng tình với ý kiến trên, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho rằng, để cùng nhau phát triển, kiểm soát được dịch bệnh, các tỉnh trong khu vực phải cùng liên kết, không nên cục bộ như thời gian qua.

7 tinh, thanh khu vuc Nam song Hau lien ket phat trien kinh te-xa hoi hinh anh 2
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu tại Hội nghị trực tuyến. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đề xuất ngoài các lĩnh vực được thảo luận liên kết tại hội nghị này, các tỉnh, thành khu vực họp bàn sơ kết thường kỳ để mở rộng liên kết các lĩnh vực khác.

Ví dụ trong công tác phòng, chống dịch, địa phương nào xuất hiện nhiều ổ dịch, thiếu vaccine, các tỉnh, thành khác hỗ trợ vaccine; hàng hóa tiêu thụ chậm, các tỉnh hỗ trợ tiêu thụ, không để ùn ứ, rớt giá.

Để nội dung hợp tác thực chất, định kỳ, hàng quý, các địa phương sẽ họp đánh giá rút kinh nghiệm. Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, nội dung liên kết sẽ đi vào thực chất, vấn đề nào vướng mắc sẽ được bàn bạc, trao đổi.

Các địa phương sẽ lập đường dây nóng để tháo gỡ ngay những khó khăn. Thực hiện được liên kết này sẽ giúp các tỉnh, thành Nam sông Hậu tháo gỡ được khó khăn, rào cản, giải phóng hiệu quả nguồn lực, ổn định đời sống nhân dân trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, sau khi rút kinh nghiệm, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai hợp tác nhiều lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai bão lũ.

Trên cơ sở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, 7 địa phương sẽ đánh giá kết quả phối hợp, điều chỉnh kịp thời, nghiên cứu liên kết với các địa phương còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.

Tác động của dịch COVID-19 thời gian qua, đặc biệt là trong quý 3/2021 làm giảm tốc độ tăng trưởng của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh Nam sông Hậu nói riêng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, hoạt động đình trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn./.

Theo: Thu Hiền (TTXVN/Vietnam+)