Logo
Banner

ĐBSCL chuyển những thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển từ Nghị quyết 120 của Chính phủ

(HGO) – Sáng ngày 13-3, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; cùng Thường trực Chính phủ; một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Viện nghiên cứu, Trường đại học, một số hiệp hội, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong, ngoài nước và nhiều tổ chức quốc tế.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết đây là hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đến sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL, cũng như đánh giá những việc đã làm được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm, từ đó có những đề xuất giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu vì một ĐBSCL thịnh vượng, hiện đại, bền vững về môi trường, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.  

Lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham dự hội nghị.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, chủ trương “thuận thiên” từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương vùng ĐBSCL; đồng thời được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng và huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng; trong đó bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng khi có nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, đời sống người dân từng bước cải thiện. Cụ thể là chuyển đổi kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh theo thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng, từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Bên cạnh đó, các địa phương vùng ĐBSCL còn tăng cường kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng. Theo thống kê sơ bộ, đã có 1.165 dự án khoảng 280.000 tỉ đồng (tương đương trên 12 tỉ USD) được các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông theo Nghị quyết 120 của Chính phủ. Ngoài ra, hiện toàn vùng có 408 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất đã giúp nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, từ đó góp phần quan trọng trong các giải pháp thích ứng như: tích nước, chuyển đổi thời vụ canh tác, cơ cấu lại cây trồng - vật nuôi, gia cố bảo vệ nhà cửa, cơ sở sản xuất cho người dân. Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp như: Đề án phát triển đô thị thông minh; phát triển vật liệu phục vụ xây dựng các công trình biển đảo; hiện đại hóa thủy lợi; nhiều chương trình liên quan đến phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; triển khai xây dựng nhiều điểm nguồn cấp nước khẩn cấp cho người dân vùng hạn, mặn…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, Chính phủ, một số bộ, ngành Trung ương và địa phương vùng ĐBSCL cũng chỉ ra một số mặt còn tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120. Cụ thể là thể chế điều phối vùng vừa mới được hình thành nên chưa có nhiều thời gian để giúp Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ liên ngành, liên vùng, đặc biệt là đề xuất những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phần lớn các công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn còn chậm triển khaiLuật Quy hoạch được ban hành với các yêu cầu và nội dung mới dẫn đến một số lúng túng trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch, nhất là việc xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL theo phương pháp tích hợptư duy phát triển thuận thiên theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai; công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản chưa cung cấp đủ cơ sở, luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Qua kết quả thực tiễn đạt được như trên thì có thể khẳng định Nghị quyết 120 là tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững ĐBSCL, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là chuyển hóa được những thách thức lớn của biến đổi khí hậu thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất và kinh doanh. Việc triển khai Nghị quyết đã kế thừa, tích hợp kết quả của các chương trình khoa học công nghệ, các dự án đã và đang triển khai thực hiện trong những năm qua. Đồng thời khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc phát triển bền vững ĐBSCL, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trên cơ sở kết hợp giữa sáng tạo, tri thức bản địa với các thành tựu khoa học và công nghệ thế giới; sự vươn lên mạnh mẽ và khát vọng phát triển của người dân cả nước và ĐBSCL để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phát triển mới.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Nghị quyết 120 của Chính phủ mới chỉ ở bước đầu, trong khi các mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ trong Nghị quyết còn mang tính chiến lược, dài hạn. Do đó, trong thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương và địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trọng tậm theo mục tiêu đề ra. Cụ thể, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của Nhân dân, nhất là các dự án đa mục tiêu, kết nối vùng. Bên cạnh đó, các địa phương vùng ĐBSCL cần phát huy vai trò các con sông trong sản xuất, sinh hoạt và đào tạo nguồn nhân lực trong thực hiện Nghị quyết 120; cũng như tăng cường điều tra cơ bản, năng lực quan trắc, dự báo, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu hợp lý, trong đó phát triển nông nghiệp theo 3 tiểu vùng có xem xét đến các hệ sinh thái nông nghiệp trong từng tiểu vùng; đồng thời không ngừng thúc đẩy khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế...

Nguồn: Báo Hậu Giang -Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp