Logo
Banner

Định nghĩa mới nhất về F0, F1 và ca bệnh giám sát

Theo quy định mới, người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc ở cùng không gian hẹp, kín tối thiểu 15 phút với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0 được xác định là F1. 

Ngày 29/12, Bộ Y tế có công văn về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19, ca bệnh nghi ngờ và trường hợp F1 (người tiếp xúc gần).

Theo đó, người dân được xác định là F1 nếu thuộc một trong số các trường hợp:

- Có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT≥30. Đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính.

Trước đây, Bộ Y tế quy định F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí…, cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Nếu tiếp xúc với F0 có triệu chứng, một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc trong vòng 3 ngày trước khi F0 khởi phát triệu chứng đến khi được cách ly y tế.

Nếu tiếp xúc với F0 không triệu chứng, F0 đã xác định được nguồn lây thì F1 là người tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây đến khi được cách ly. Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây thì F1 là người tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly.

Như vậy, theo quy định mới, nếu người dân có đeo khẩu trang và tiếp xúc với F0 trong không gian hẹp, kín tối thiếu 15 phút mới được coi là F1. Bên cạnh đó, cách tính thời kỳ lây truyền cũng được giảm xuống so với quy định cũ.

Nhóm người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học… với ca bệnh xác định (F0) đang trong thời kỳ lây truyền được tính thuộc diện “có yếu tố dịch tễ” (không bao gồm F1). Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động cũng thuộc nhóm này.

Cũng trong công văn, Bộ Y tế nêu 4 trường hợp cụ thể để xác định một người là F0 (ca bệnh xác định):

- Người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).

- Người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2.

- Người có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 (ca bệnh nghi ngờ) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2, có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).

- Người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với virus SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).

Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường hợp sau: Người tiếp xúc gần (F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.

Người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như trên. Người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2 (trừ 3 trường hợp xác định F0).

Theo: Nguyễn Liên -Báo Vietnamnet

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp