Logo
Banner

Doanh nghiệp chờ đợi lực đẩy để bắt nhịp cùng thị trường

(KTSG Online) – Thúc đẩy nhanh hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn các giải pháp khôi phục kinh tế là những vấn đề cần thiết hiện nay, theo ghi nhận từ các hội nghị, phiên họp có nội dung liên quan vào tuần qua. Thích ứng dần với giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp kỳ vọng vào quá trình tập trung cải cách để phục hồi kinh tế, đồng thời đánh giá sự chuyển biến này sẽ góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.

Sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao tại Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (Nhật Bản) trong Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: TTXVN

Tạo điều kiện để tận dụng cơ hội mới đang hình thành

Trong phần phát biểu giải trình, tiếp thu và làm rõ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 hôm 30-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bộc bạch rằng đây không phải là vấn đề mới vì Việt Nam đã thực hiện trong 10 năm qua, nhưng có bối cảnh mới là đang tiến hành thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với nhiều mục tiêu lớn, khát vọng lớn trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng và bất định, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và nhiều thách thức đang đặt ra. Bên cạnh đó là các vấn đề lớn như liên kết phát triển vùng, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế biển…

Ông cho rằng việc thúc đẩy nhanh hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn của nền kinh tế là những vấn đề cần thiết hiện nay, bởi nếu chậm một bước thì sẽ có nhiều vấn đề đặt ra như không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình; không ứng phó được với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; không tiếp cận được với cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; không tận dụng được quá trình hội nhập quốc tế mà Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại tự do; không nâng cao được năng lực tự chủ, tính thích ứng của nền kinh tế và không tận dụng được cơ hội mới đang hình thành sau đại dịch.

“Đây là những nội dung rất quan trọng, cấp bách, nhất là khi chúng ta đang đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Nếu không làm nhanh thì sẽ vướng vào các thách thức nêu trên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo ông, cơ cấu lại nền kinh tế là quá trình thay đổi thể chế chính sách kinh tế phù hợp với tình hình mới, phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Đó là sự thay đổi, điều chỉnh trong quá trình chỉ đạo, điều hành để hình thành cơ cấu kinh tế mới hợp lý hơn, hiệu quả hơn.

Không chỉ tập trung vào cơ cấu lại các ngành, các thành phần kinh tế hay không gian kinh tế mà còn quan tâm đến các lĩnh vực quan trọng có tiềm năng, lợi thế để trở thành mũi nhọn mang tính lan toả, dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế. Ba đột phá lớn của cơ cấu lại nền kinh tế là thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Trong quá trình thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đa số đại biểu thống nhất ban hành kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nhưng lưu ý cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gắn phòng chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cải cách chính sách cũng là nội dung chính của cuộc hội nghị tham vấn cao cấp Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức vào ngày 29-10.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng trong những tháng cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế được dự báo vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Viện trưởng CIEM, bà Trần Thị Hồng Minh, cho biết nhiều tổ chức quốc tế đã có những cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Bà dẫn chứng báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây ước tính, GDP năm 2021 của Việt Nam ở mức 2,0-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố vào tháng 8.

Không chỉ khó khăn trong nội tại nền kinh tế, hiện nhiều thị trường xuất khẩu cũng sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa của Việt Nam. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu không cải cách thì Việt Nam khó có thể phục hồi kinh tế. Do vậy, bên cạnh tập trung vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ cũng nên quan tâm đến vấn đề cải cách thể chế.

Đồng tình với quan điểm cần đẩy mạnh cải cách để khôi phục tăng trưởng, đại diện CIEM cho rằng, trọng tâm ưu tiên cải cách ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 cần nhấn mạnh vào năm nội dung, bao gồm: duy trì cải cách trong quá trình phục hồi, và yêu cầu đặt ra là cải cách song song, thay vì cải cách sau khi đã phục hồi kinh tế; huy động và sử dụng nguồn lực, đặc biệt là quan tâm đến hiệu quả sử dụng nguồn lực; tạo không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững; thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, tạo động lực cho cải cách thể chế, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, trong đó quan tâm nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân, hay tư duy về tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: TTXVN

Để sản xuất, kinh doanh bắt nhịp cùng nhịp đập thị trường

Ghi nhận từ thực tế chp thấy, việc nới lỏng giãn cách xã hội đã góp phần làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 10 ước tăng 6,9% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của IPP qua 10 tháng, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5%, đóng góp 3,99 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Đồng thời, chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất kim loại tăng 25,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 12,5%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,5%; dệt tăng 7,8%;…

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như linh kiện điện thoại tăng 38,8%; thép cán tăng 37,3%; xăng dầu các loại tăng 15,5%; khí hóa lỏng LPG tăng 14,1%; ô tô tăng 12,4%; sắt, thép thô tăng 11,4%; sữa bột tăng 9,6%; thức ăn cho gia súc tăng 9,5%; giày, dép da tăng 8,5%.

Ngoài ra, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1-10 đã tăng 7,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 7,9% so với cùng thời điểm năm 2020.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết nếu tính theo địa phương, IPP 10 tháng năm 2021 của 45 tỉnh, thàn phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 11 địa phương tăng cao.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 10, hoạt động cung ứng hàng hóa và sản xuất kinh doanh của các tỉnh, thành phố phía Nam đã ổn định hơn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.

Báo cáo cho thấy tại TPHCM, tính đến ngày 27-10, đã có 127/234 chợ truyền thống chính thức hoạt động tại nhiều quận, huyện, TP. Thủ Đức. Tại nhiều chợ truyền thống khác của Thành phố dù chưa chính thức được hoạt động nhưng vẫn có nhiều quầy, sạp bán các loại rau, củ, quả, thịt. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với hơn 100 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi. Đối với hoạt động của 3 chợ đầu mối, hiện có chợ đầu mối Hóc Môn chính thức mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 22-10; các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa cho các hệ thống cung cấp lương thực, thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM và các tỉnh.

Cùng với tình hình hàng hóa ổn định, việc sản xuất của doanh nghiệp tại một số địa phương cũng dần tăng tốc và trở lại nhịp bình thường. Nhiều địa phương tại các tỉnh miền Đông Nam bộ đã ban hành kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới. Ngay sau đó, đã có hàng ngàn doanh nghiệp tái khởi động, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Tại TPHCM, sau một tháng mở cửa, phục hồi nền kinh tế, có hơn 1.300 công ty, nhà máy trong các khu chế xuất – khu công nghiệp đã mở cửa trở lại và đạt hơn 92%. Riêng Khu công nghệ cao TPHCM có 85 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đạt 100%. Tính đến nay, có hơn 230.000 công nhân, người lao động tại các khu vực trên đã trở lại làm việc, đạt khoảng 70%.

Theo phản hồi từ các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, các đơn vị này chưa thể tăng hết công suất hoạt động. Tuy nhiên, nhiều nhà máy, xí nghiệp đang từng bước mở rộng quy mô sản xuất, số lượng công nhân kỳ vọng sẽ tăng nhanh trở lại trong thời gian tới.

Trong khi đó, Bình Dương cho phép doanh nghiệp hoạt động linh hoạt theo các mô hình như “3 xanh”, “3 tại chỗ”, “3 tại chỗ linh hoạt”… Doanh nghiệp xây dựng phương án hoạt động kèm phương án phòng chống dịch gửi cho cơ quan chức năng rồi triển khai hoạt động, cơ quan chức năng sẽ thực hiện hậu kiểm sau đó. Đến cuối tháng 10, ước tính đã có gần 1.970 doanh nghiệp (đạt trên 96%) trong các khu công nghiệp của Bình Dương khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lượng công nhân, người lao động trở lại làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp gần 373.000 người (đạt hơn 76%). Trong đó, mô hình “3 xanh” có gần 285.000 người lao động, mô hình “3 tại chỗ” hơn 44.000 người và mô hình “3 tại chỗ linh hoạt” có hơn 43.000 công nhân.

Tại Đồng Nai, sau khi có chính sách mở cửa phục hồi kinh tế, đã có hàng trăm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đăng ký bổ sung lao động để từng bước phục hồi sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Hiện toàn tỉnh có gần 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 497.000 công nhân, người lao động có việc làm, đạt tỷ lệ 92%. Trong đó, có hơn 400 doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” với 41.300 người lao động đi về hàng ngày. Chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu trong tháng 10 được dự báo sẽ tăng trưởng lạc quan.

Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp đăng ký tái hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Đến cuối tháng 10, toàn tỉnh có hơn 11.400 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có gần 500 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Riêng trong các khu công nghiệp, có 33 doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại với hơn gần 15.000 công nhân, người lao động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp lên hơn 300.

Nguồn: Báo kinhteSaigononline

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp