Logo
Banner

GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 16

Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Làm sao để vừa phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08 của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng vẫn đảm bảo sản xuất là vấn đề được nhiều doanh nghiệp tại Hậu Giang quan tâm.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn nên doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Nhiều khó khăn

Theo tinh thần Chỉ thị số 16, ngành xây dựng vẫn được phép hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu phòng dịch, nhưng các doanh nghiệp trong ngành này cũng ít nhiều ảnh hưởng. Ông Thái Minh Thuyết, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang, cho biết các công trình của công ty hiện tạm dừng do người lao động sợ dịch nên chọn ở nhà thay vì tới công trình. Họ cho biết, nếu muốn đi làm bắt buộc phải có giấy test nhanh âm tính. Thế nhưng, chi phí test nhanh lại cao hơn tiền lương hàng ngày khiến nhiều người không mặn mà. Hiện tại, công ty sản xuất sản lượng chỉ đạt được 20% so với bình thường và dự kiến những ngày sắp tới sản lượng sẽ xuống còn 10%. Ngoài ra, vận chuyển cũng là một trở ngại không nhỏ. Doanh nghiệp không thể giao hàng ở tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau do vướng quy định luồng xanh của các địa phương này.

Người lao động lo ngại dịch bệnh không đi làm cũng là tình cảnh mà Công ty Cổ phần may Nhà Bè Hậu Giang gặp phải. Ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc công ty chia sẻ tỷ lệ đăng ký 3 tại chỗ của người lao động theo Chỉ thị số 08 của UBND tỉnh chỉ đạt 20% vào ngày 20-7, nhưng sáng hôm sau con số thực tế đi làm thấp hơn nhiều. Hỏi ra mới biết, gia đình muốn họ ở nhà để an toàn. Là doanh nghiệp thực hiện đơn hàng theo mùa nên nếu không kịp hàng giao đối tác thì phải đợi đến mùa sau, thiệt hại không nhỏ. Công ty sẵn sàng bố trí 3 tại chỗ nhưng mong được các cơ quan chuyên môn, các cấp lãnh đạo hỗ trợ tuyên truyền để anh chị em công nhân nắm, có thể thực hiện 1 cung đường, 2 điểm đến.

Thực hiện 3 tại chỗ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hậu Giang nhận được nhiều phản hồi của các doanh nghiệp. Đa số đều ủng hộ chấp hành chủ trương này để đảm bảo an toàn phòng dịch. Thế nhưng, khi triển khai thực tế, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Ông Trần Công Minh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ II thông tin, công ty có khả năng bố trí khoảng 1.500 chỗ ở, nhưng công nhân vô cùng ái ngại. Công ty mong muốn tỉnh, ngành chức năng hỗ trợ tuyên truyền để người lao động an tâm làm việc.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng tâm tư khi dù có hỗ trợ cho anh chị em thêm 50.000 đồng/ngày/người nhưng họ vẫn không chịu vào ở tập trung. Ông đề xuất, tỉnh thực hiện 1 cung đường 2 điểm đến, nếu không thực hiện được thì vận động công nhân đi làm, ở tập trung 14 ngày rồi hết giãn cách thì về. Công ty đề xuất trưng dụng trường học, khách sạn làm nơi ở tập trung.

Còn Phó Giám đốc Công ty Masan Hậu Giang, ông Nguyễn Tất Thành cho biết trở ngại của doanh nghiệp hiện nay là các chuyên gia không thể đến Masan Hậu Giang làm việc khiến kế hoạch sản xuất bị đình trệ. Để an toàn phòng dịch, công ty đã thực hiện 3 tại chỗ, chia ra các phân xưởng để giảm thiểu rủi ro. Về lâu dài, Masan Hậu Giang đang làm tờ trình, đính kèm tên, danh sách chuyên gia đến từ tỉnh Nghệ An, Hà Nam và các kỹ sư đến từ Thành phố Hồ Chí Minh để các chuyên gia sớm đến làm việc, cung ứng hàng ra cho bà con miền Tây. Song song đó, ông cũng kiến nghị tỉnh sớm triển khai tập huấn kỹ năng để các doanh nghiệp có thể tự mua kit về thực hiện.

Có thể thấy, sản xuất kinh doanh thời điểm bình thường đã khó thì trong bối cảnh hiện nay công việc này càng khó hơn bội phần. Không chỉ vấn đề vận chuyển bị ảnh hưởng, hàng hóa, nguyên liệu bị ùn ứ khiến sản xuất đình trệ, hàng hóa sản xuất không thể đến tay khách hàng tạo ra cảnh nơi thừa, nơi thiếu. Nhiều doanh nghiệp có thể vận chuyển cho khách thì lại vướng khâu giấy tờ để tài xế, phụ xe được qua chốt, trạm kiểm soát. Chưa bao giờ, khó khăn lại trói chân người làm kinh tế nhiều đến thế. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã lên kế hoạch sản xuất cho các tháng tiếp theo nhưng viễn cảnh vỡ kế hoạch cận kề nếu ách tắc chậm được khơi thông. Càng chậm ngày nào, chi phí doanh nghiệp càng bị bào mòn ngày đó, khi chi phí xe đưa rước, xét nghiệm cho công nhân và thực hiện yêu cầu 3 tại chỗ không phải là con số nhỏ.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp hiểu rõ, khó khăn chỉ là tạm thời nếu các vướng mắc được tháo gỡ, dịch bệnh được đẩy lùi nên đơn vị nào cũng nghiêm túc chấp hành. Tuy nhiên, việc ngày một ngày hai bố trí chỗ ở cho người lao động, với các điều kiện sinh hoạt, ăn uống đảm bảo là điều không dễ khi nguồn cung thực phẩm cho công nhân ở lại doanh nghiệp khan hiếm. Các đơn vị giao hàng lo sợ vào Hậu Giang bị cách ly 21 ngày nên đều lắc đầu từ chối, người đồng ý thì lại không qua được chốt, trạm kiểm dịch. Cái khó lại chồng chất khi để sớm phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh, nhiều doanh nghiệp tiên phong chọn hướng test kháng nguyên. Thế nhưng, các địa điểm test hiện tại và việc cung cấp test để doanh nghiệp tự thực hiện không đáp ứng được nhu cầu, thời gian chờ đợi test kéo dài nhưng hiệu lực chỉ 3 ngày là quá ngắn.

Là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang và cũng là Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh và Giám đốc Công ty TNHH MTV thực phẩm Hạnh Nguyên, hơn ai hết ông Phạm Tiến Hoài hiểu rõ những khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp tỉnh nhà. Năng lực doanh nghiệp thì không thiếu nhưng bị dịch bệnh bó chân nên rất cần có người tháo gỡ.

Theo ông Hoài, hơn 3 năm qua, đây là thời gian khó khăn nhất của doanh nghiệp, chỉ trong thời gian ngắn gần 90% doanh nghiệp theo cơ chế thị trường trong tỉnh đã đóng cửa. Hiện Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, Sông Hậu và ngay cả Vị Thanh còn lại 49 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 5%. Đây là những doanh nghiệp chủ chốt còn lại của tỉnh. Do đó, tỉnh cần hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp vừa sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nút thắt được tháo gỡ

Lắng nghe và phản hồi doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh khẳng định Sở Y tế cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp và cho biết Sở sẽ hỗ trợ mua test, bộ kit nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Ngoài ra, nếu cần hỗ trợ tập huấn phương pháp lấy mẫu, đọc các test nhanh thì doanh nghiệp lập danh sách gửi về Sở Y tế để tổng hợp và có phân công cán bộ hướng dẫn.

Liên quan vấn đề xe qua các chốt vận chuyển hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cũng như các mặt hàng khác, ông Nguyễn Thanh Giang thông tin, ngày 19-7-2021, Bộ Y tế có Văn bản 5753 đề nghị không kiểm tra giấy xét nghiệm người vận chuyển hàng hóa trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị số 16. Ông Giang lý giải, quy định này áp dụng cho xe vận chuyển hàng trong nội tỉnh không kiểm tra test nhanh. Còn ngoại tỉnh là đi ngang chốt hoặc vô tình thì bắt buộc phải có.

Cũng liên quan vấn đề giao thông, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang thông tin thêm, các tỉnh và các chốt, trạm đều kiểm tra theo giấy xét nghiệm âm tính 72 giờ. Hiện chưa có văn bản chính thức của Bộ Giao thông Vận tải ban hành về việc bỏ giấy âm tính 72 giờ này. Sở Giao thông Vận tải đã ban hành 11 tuyến luồng xanh trên địa bàn tỉnh và vừa bổ sung 3 tuyến hệ thống đường nằm trong hệ thống luồng xanh của tỉnh để cho các doanh nghiệp có điều kiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết được thuận tiện.

Đối với các tài xế qua chốt trên các tuyến quốc lộ cũng như tỉnh lộ thì chỉ cần giấy xét nghiệm âm tính và xe vận chuyển trên hệ thống tuyến luồng xanh thì đăng ký mã nhận diện logo kèm theo giấy âm tính 72 giờ sẽ được lưu thông. Ngày 19-7, Tổng cục Đường bộ đã ban hành Văn bản 5017, các xe vận chuyển hàng mau hỏng bao gồm: hàng nông sản, hàng dễ vỡ, một số hàng thiết yếu sản xuất nông nghiệp... thì không cần đăng ký giấy nhận diện QR Code cũng được đi kèm theo phiếu xét nghiệm âm tính.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng đến thời điểm này tình hình dịch Covid-19 quá phức tạp. Lãnh đạo tỉnh chia sẻ với doanh nghiệp và cam kết tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất nhưng phải đảm bảo công tác phòng dịch, thực hiện nghiêm 5K và 3 tại chỗ, nếu không bắt buộc phải dừng hoạt động hoặc giảm quy mô. Thời điểm lúc này sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, chúng ta chấp nhận hy sinh một phần phát triển kinh tế, tạm thời dừng một lúc để đảm bảo sức khỏe cho người dân sau đó sẽ tăng tốc đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tỉnh có 14 ngày vàng để kiểm soát tốt và đẩy lùi dịch bệnh nên phải hết sức chặt chẽ phòng dịch kể cả chặt ngoài, chặt trong, phải thực hiện tốt theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ…

Nguồn: Báo Hậu Giang -Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp