Logo
Banner

Hậu Giang đón làn sóng đầu tư

Hậu Giang hội tụ các tiềm năng trở thành thị trường vệ tinh được nhà đầu tư quan tâm. Nhiều dự án đầu tư, đa dạng lĩnh vực từ chế biến, sản xuất đến bất động sản, dịch vụ, năng lượng và du lịch... đã về với địa phương.

Hệ thống máy móc và thiết bị phòng nghiên cứu và kiểm nghiệm bên trong Nhà máy DHG Pharma.

Giàu tiềm năng

Nằm ở vị trí trung tâm của ĐBSCL và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu bao gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước. Các đơn vị hành chính của tỉnh nằm trong số các địa phương có chỉ số tối ưu trong vùng ĐBSCL với khoảng cách tới thị trường và khoảng cách tới vùng sản xuất. Vị trí này thuận lợi để các doanh nghiệp lựa chọn đặt các nhà máy sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm, trung tâm logistics từ vùng nguyên liệu ĐBSCL. Vị trí cũng hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hoặc các tổng kho phân phối phục vụ thị trường ĐBSCL.

Ngoài ra, Hậu Giang là điểm giao nhau giữa 3 tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu tạo sự kết nối thông suốt với cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cảng Cần Thơ và cảng biển Trần Đề sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho tỉnh, đặc biệt liên quan tới phát triển công nghiệp, đô thị và logistics.

Hội tụ các điều kiện thuận lợi, mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Hậu Giang ngày một nhiều. Về thu hút đầu tư trong nước, toàn tỉnh có 418 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 140.542 tỉ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến nay có 24 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 617,411 triệu USD.

Là một doanh nghiệp lớn, có nhà máy đặt tại Hậu Giang, ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, thông tin: “Khi đầu tư tại Hậu Giang, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho Dược Hậu Giang thực hiện và mở rộng dự án “Đầu tư mở rộng dự án Nhà máy Dược phẩm và Nhà máy In bao bì DHG”, cũng như phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư. Về phía Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay, Ban quản lý đang tiếp tục hỗ trợ Dược Hậu Giang hoàn thành các thủ tục để công ty có thể triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt. Trong tương lai Dược Hậu Giang sẽ triển khai xây dựng các hạng mục và mong muốn tiếp tục được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh”.

Chính sách phù hợp

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang sẽ quy hoạch hơn 2.200ha để phát triển 8 khu công nghiệp. Trong đó, 4 khu công nghiệp tại huyện Châu Thành và Châu Thành A sẽ được hoàn thành trong 3 năm tới. Để thu hút các doanh nghiệp lớn, tỉnh “bắt tay” vào công tác quy hoạch khu, cụm công nghiệp, đền bù, giải tỏa nhanh, kịp giao đất cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin minh bạch. Đáng chú ý, hiện tỉnh Hậu Giang có 7/8 địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do đó để thu hút đầu tư, nhiều chính sách ưu đãi cũng được đưa ra như: hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất là 10% trong 15 năm, trong đó 4 năm đầu là miễn hoàn toàn.

Ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết: “Chúng tôi chọn doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao cũng như đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh. Thứ hai là doanh nghiệp có tác động lan tỏa, sử dụng các dịch vụ đầu vào của địa phương cũng như sử dụng lao động của địa phương. Thứ ba là doanh nghiệp sử dụng ít đất, ít tác động đến môi trường”.

Xét về khía cạnh khác, cơ hội đón làn sóng đầu tư còn nằm ở sự chủ động và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Hậu Giang là địa phương đầu tiên trong vùng ĐBSCL xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết: “Chúng tôi thấy tín hiệu rất tích cực từ tỉnh Hậu Giang đó là chính quyền rất năng động, chúng tôi ghi nhận được sự thay đổi rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây và đặc biệt là sự quyết tâm rất cao. Khi có sự quyết tâm cao không chỉ là mong muốn mà thể hiện qua những hoạt động rất mạnh mẽ, cụ thể thì sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt. Khi cơ chế, thể chế chúng ta hình thành thì việc đầu tư hạ tầng vào để kết nối thì cả 2 động lực này sẽ giúp Hậu Giang phát triển nhanh trong thời gian tới”.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin: “Theo Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị vừa qua thì tập trung cho Cần Thơ và Hậu Giang là trung tâm logistics của vùng. Chúng tôi đã chọn Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh và Khu công nghiệp Sông Hậu đảm bảo về diện tích để hòa cùng với Cần Thơ xây dựng các trung tâm logistics. Ngoài ra, từ tuyến đường cao tốc từ Cần Thơ đi Cà Mau thì Khu công nghiệp Sông Hậu cách đó khoảng 3km, nếu nói thuận lợi về công nghiệp thì Hậu Giang sẽ thuận lợi nhất khi kết nối với đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội đã cho chủ trương và quyết định đầu tư 2 tuyến đường cao tốc là Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, 2 tuyến đường này đều đi qua Hậu Giang, cắt tại huyện Phụng Hiệp với chiều dài 2 tuyến cao tốc khoảng 101km đi qua địa bàn tỉnh. Chúng tôi sẽ rất thuận lợi di chuyển từ 2 điểm kết nối của cao tốc này với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL”.

“Lãnh đạo của tỉnh luôn quan tâm và có những chủ trương để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính để làm sao giảm tối đa chi phí và thời gian cho nhà đầu tư. Luôn xem công việc của doanh nghiệp cũng là công việc chính mình nên luôn sẵn sàng phối hợp tạo mọi điều kiện để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Đồng Văn Thanh cho biết.

Với khí thế, quyết tâm, hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội vàng cho công nghiệp - nông nghiệp - đô thị - du lịch Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững. Hậu Giang sẵn sàng đón thời cơ trong vận hội mới để cùng ĐBSCL cất cánh và phát triển.

Nguồn: Báo Hậu Giang -Bài, ảnh: NGUYÊN TOÀN

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp