Logo
Banner

Khơi thông “dòng chảy” nông sản đất chín rồng -Kỳ 2

Bài 2: Hoàn thiện hạ tầng tiếp vận, phát triển trung tâm logistics vùng

ĐBSCL đang là khu vực có chi phí logistics cao nhất, chiếm đến 30% giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc hoàn thiện hạ tầng tiếp vận, phát triển trung tâm logistics nhằm cắt giảm chi phí vận chuyển, tăng cường liên kết là điều cần thiết để tăng sức cạnh tranh, đưa nông sản toàn vùng cất cánh.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ở ĐBSCL sẽ được hưởng lợi khi các trung tâm logistics vùng được hình thành.

Nhiều đề xuất

Tại diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL), ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Để nông sản ĐBSCL có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới, bắt buộc phải hình thành các trung tâm logistics chuyên cho nông sản, mục tiêu là làm giảm chi phí logistics từ 30% xuống còn 15% giá thành sản phẩm.

“Tại những trung tâm này sẽ có tất cả dịch vụ từ khâu thu mua đến phân loại, lựa rửa, đóng gói, chiếu xạ tiệt trùng, bảo quản lạnh cho đến thông quan xuất khẩu. Để hình thành và phát triển những trung tâm logistics chuyên cho ngành nông sản xuất khẩu thì chính quyền địa phương và chính phủ cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt riêng cho trung tâm và điều quan trọng hơn để những trung tâm này phát triển vượt bậc cần sự hỗ trợ, hợp tác và đồng lòng của ba nhà: Nhà ông, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu để đạt được mục tiêu cuối cùng là giảm chi phí logistic và tăng tính cạnh tranh cho nông sản vùng ĐBSCL”, ông Phạm Tiến Hoài cho hay.

Tương tự, ông Lưu Hoàng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Koina Investment Group (Koina), cho biết quy mô thị trường nông sản nội địa Việt Nam đang rất lớn. Hiện có khoảng 17 triệu tấn nông sản mỗi năm. Trung bình mỗi người sẽ tiêu thụ 153kg rau và 77kg quả/năm. Do đó, việc tiêu thụ trong thị trường nội địa rất lớn. Ông Khoa chia sẻ: “Với tư cách một công ty chuyên về nông sản, Koina rất mong muốn đầu tư sâu vào thị trường nội địa. Cùng với đó là bài toán tiếp vận, phân phối sản phẩm từ người nông dân tới tay người tiêu dùng mà Koina phải giải quyết”.

Tổng Giám đốc Koina nhận định, để giải bài toán giảm chi phí logistics, tăng lợi nhuận cho nông dân ĐBSCL thì cần phải xử lý rất nhiều khâu, như liên kết với nông dân, thu hoạch, đóng gói, sơ chế, vận chuyển sau đó đưa đi tiêu thụ... Nếu tổ chức được quy mô thì có thể liên kết được nhiều hộ nông dân lại, cơ giới hóa được tốt hơn. Khi tăng được hiệu quả đầu nguồn sẽ tăng được hiệu quả của toàn chuỗi.

Quy hoạch logistics

Trong Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, đến năm 2030, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành “Trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp”. Đồng thời, “tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics để tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu”.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, để hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL, thời gian tới cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics. Hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics; đẩy mạnh phát triển những trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản với những dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng.

Cảng Cái Cui - Cần Thơ.

“Cần tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - doanh nghiệp thương mại - doanh nghiệp logistics; tăng cường hợp tác giữa các công ty logistics qua đó cân đối luồng hàng vận chuyển 2 chiều nhằm nỗ lực tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực logistics, hiện đại hóa hoạt động sản xuất, chế biến và hoạt động dịch vụ logistics”, ông Trần Thanh Hải cho biết thêm.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đưa ra ba giải pháp. Một là phát triển trung tâm logistics với hệ thống kho lạnh. Hai là đẩy mạnh kết nối vận tải biển giữa các trung tâm trong nước với các nước trên thế giới. Ba là phát triển trung tâm chiếu xạ tại thành phố Cần Thơ.

Về trung tâm chiếu xạ, ông Trung cho biết, dự án này Tổng công ty Hàng hải kết hợp với Viện Năng lượng nguyên tử miền Nam chuẩn bị trong năm nay, khoảng tháng 10 tới đây sẽ khởi công trung tâm này. “Đó là cơ sở để hàng hóa xuất nhập khẩu nông sản được xử lý tại cảng, kết nối với hải quan và các phương thức khác để tạo ra điểm nhấn thu hút toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu, thay vì trước đây phải vận chuyển đường bộ từng xe lên Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ra Vũng Tàu thì chúng ta có thể làm ngay tại thành phố Cần Thơ”, ông Lê Quang Trung cho biết.

Bên cạnh đó, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho rằng: Cần sớm phát triển trung tâm logistics tại thành phố Cần Thơ cho hàng hóa toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trung tâm này sẽ có nhiệm vụ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp toàn vùng. Qua đó, giải quyết việc phân tán trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, cơ chế thủ tục hải quan, tài chính cần được thực hiện thông thoáng tại trung tâm này. Từ đó, góp phần giảm đáng kể chi phí logistics cho hàng nông, thủy sản xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để phát triển logistics trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay thì cần phải xây dựng được các trung tâm logistics lớn, các doanh nghiệp logistics đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa với hệ thống kho bãi, công nghệ vận tải đường bộ, qua đó giúp tiết kiệm được chi phí nhờ quy mô...

 

Nguồn: Báo Hậu Giang -Bài, ảnh: NGUYÊN TOÀN

Bài 3: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp