Logo
Banner

Nghị quyết 120: Thông điệp “8G” của Thủ tướng vì sự phát triển của ĐBSCL

Nghị quyết 120 được xem là Nghị quyết “vàng”, Nghị quyết “thuận thiên”. Tại Hội nghị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu vừa kết thúc tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 120 để ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, thịnh vượng.

Thông điệp “8G” của Thủ tướng

Trưa 13.3, “Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu” đã bế mạc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy trăn trở của các chuyên gia, các địa phương… với mong muốn mang lại sự phát triển cho đồng bằng. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực, chính sách để phát triển ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh vùng đang chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu.

Nghị quyết 120 được ra đời cũng trên tinh thần đó, với những giải pháp và hành động không chỉ đơn thuần để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, mà xa hơn là sự sẻ chia của tất cả cùng hướng về đồng bằng.

Cây lúa không còn đứng đầu trong trục phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 120. Ảnh: Phan Thanh Cường
Cây lúa không còn đứng đầu trong trục phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 120. Ảnh: Phan Thanh Cường

Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 120 đã đạt được nhiều hiệu quả, nhưng vẫn có đó nhiều tồn tại, hạn chế. Thủ tướng giao các bộ, ngành có liên quan để sung vào Nghị quyết 120 những nội dung quan trọng, đã được Thủ tướng đúc kết trong nội hàm “8 chữ G”.

Theo Thủ tướng Chính phủ, chữ “G” thứ nhất là “Giao”, tức là giao thông. Phải ưu tiên dành nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông cho đồng bằng, tạo sự liên kết, kết nối thông thoáng, giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy giao thương, mở mang phát triển kinh tế. Nghị quyết 120 mở ra định hướng phát triển thuận thiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; nhưng các công trình, dự án vẫn rất quan trọng. Điển hình là tại các vùng sạt lở, người dân bị mất đất đai nhà cửa rất cần được hỗ trợ quan tâm xây dựng đường sá, nơi ở…

Chứ G thứ hai là “Giáo dục”. Thủ tướng gọi đây là “chìa khóa vàng” để phát triển bền vững. Phải đảm bảo rằng tất cả mọi người, nhất là trẻ em đều phải được đến trường. Giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đào tạo đội ngũ trí thức, cung cấp nguồn nhân lực. Thủ tướng nhấn mạnh: “Giáo dục, giáo dục và giáo dục” cho công tác đào tạo vùng ĐBSCL.

Phát triển thủy sản nét độc đáo của ĐBSCL. Ảnh: Trần Lưu
Phát triển thủy sản - nét độc đáo của ĐBSCL. Ảnh: Trần Lưu

Chữ G thứ ba là “Giang”, tức là sông. ĐBSCL được gọi là vùng sông nước, với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Đây là tài nguyên có tính chiến lược mà ít nơi nào có được. Khái niệm “kinh tế sông” cần được nghiên cứu. Phát triển kinh tế phải gắn với sông nước. Tận dụng tiềm năng của sông nước vào sản xuất nông nghiệp, làm đòn bẩy cho phát triển.

Chữ G thứ tư là “Gắn”, tức gắn kết. Hiện nay, biến đổi khí hậu đã vượt qua khỏi địa giới hành chính, vượt quá khả năng và chức năng của bất kỳ địa phương nào. Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải liên kết, gắn kết. Nội vùng cũng cần liên kết mạnh mẻ hơn nữa. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, còn đi xa thì đi phải đi cùng nhau”, Thủ ướng nói.

Chữ G thứ năm là “Giàu”. Phải thu hút người giàu, khá giả, những doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư cho vùng. Theo đó, cần cải thiện môi trường, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh ở mỗi địa phương.

Chữ G thứ sáu là “Giỏi”. Phải thu hút nhân tài, nhà trí thức, các chuyên gia đến làm việc, cộng tác cho vùng ĐBSCL. Để làm được việc này, cần có có chính sách thu hút để họ cống hiến.

Chữ G thứ bảy là “Già”. ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số với tỉ lệ cao nhất nước. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động nặng nề. Do vậy, cần có những chính sách an sinh xã hội kịp thời và hiệu quả để chăm lo nhóm đối tượng này, giảm thiểu những hoàn cảnh đau lòng trong xã hội.

Du lịch miền sông nước là đặc trưng của ĐBSCL, nhưng kinh tế sông Nghị quyết 120 vẫn chưa đề cập. Ảnh: Trần Lưu
Du lịch miền sông nước là đặc trưng của ĐBSCL, nhưng về kinh tế sông, Nghị quyết 120 vẫn chưa đề cập. Ảnh: Trần Lưu

Chữ G cuối cùng là “Giới”. Phải thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của người phụ nữ, tạo công ăn việc làm, đảm bảo họ được tiếp cận đầy đủ những tiến bộ của xã hội…

Thủ tướng nhấn mạnh, những nội hàm trong 8 chữ G vẫn còn thiếu sót hoặc chưa được phản ánh đầy đủ trong Nghị quyết 120; và đề nghị những bộ ngành có liên bổ sung vào Nghị quyết. Thủ tướng cũng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy, hoàn thiện các thị trường, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho người lao động đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt là phải linh hoạt trong các quy hoạch, chuyển đổi cây trồng có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, cho thu nhập cao hơn, đảm bảo sinh kế cho người dân… Trong chức năng nhiệm vụ được giao, từng bộ, ngành sẽ thực hiện những công việc cụ thể.

Tuyệt đối không kể công

Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết 120 đã đạt được nhiều thành quả, nhưng không thể lấy đó để kể công, kể thành tích, mà phải xem đây là nhiệm vụ, trách nhiệm phải làm. Đây cũng chỉ là bước khởi đầu, và còn những chặng đường dài tiếp theo với rất nhiều việc phải thực hiện…

Tại Hội nghị này, các chuyên gia nhấn mạnh, nếu chỉ lấy những mô hình canh tác thông minh để đánh giá về hiệu quả của Nghị quyết 120 thì chưa đủ. Hiệu quả lớn nhất và quan trọng nhất của Nghị quyết 120, chính là tạo nên sự “thay đổi lịch sử về tư duy và nhận thức”…

Thiếu nước cục bộ tại nhiều vùng ở ĐBSCL. Ảnh: Nhật Hồ
Thiếu nước cục bộ tại nhiều vùng ở ĐBSCL. Ảnh: Nhật Hồ

Trả lời phóng viên Lao Động bên lề Hội nghị, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cho rằng, trong 3 năm qua, hiệu quả mang lại từ Nghị quyết 120 đã được biểu hiện qua từng mô hình canh tác nông nghiệp canh tác thông minh, giảm rủi ro, tăng cao giá trị. Tuy nhiên, nếu như chúng ta chỉ dựa vào đó để đo đếm, lấy làm thành tích để đánh giá, thì chưa nhìn hết được tầm chiến lược của Nghị quyết 120.

Ông Thiện nhấn mạnh: Chưa có một Nghị quyết nào lại nhận được sự đồng thuận cao “từ trên xuống dưới” như Nghị quyết 120. Đó không phải là một kế hoạch kiểu “cầm tay chỉ việc” mà mở ra những định hướng mang tầm chiến lược. Trên cơ sở đó, các địa phương, ban, ngành sẽ cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, phù hợp; từng bước đưa ĐBSCL hướng đến chặng đường phát triển trù phú.

Ngoài giải phải công trình, tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau đã trồng rừng ngập mặn tại những bãi bồi ven biển. Ảnh: Phan Thanh Cường
Tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau đã trồng rừng ngập mặn tại những bãi bồi ven biển. Ảnh: Phan Thanh Cường

Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh đang quyết liệt triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 17.596 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và duy trì được 26 nhãn hiệu nông sản tạo được lòng tin cho người tiêu dùng… Những con số đó vẫn đang tăng lên từng ngày, và quan trọng nhất đã nhận được lòng tin từ nông dân…

Sạt lở bờ biển vẫn thường xuyên , liên tục tại ĐBSCL. Ảnh: Nhật Hồ
Sạt lở bờ biển vẫn thường xuyên , liên tục tại ĐBSCL. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Đối với toàn vùng ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy có 3 vấn đề lớn cần xử lý, thúc đẩy đó là: (1) Phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là các tuyến đường liên kết vùng và đường bộ ven biển; (2) Xử lý cấp nước, điều tiết nước thông qua đầu tư hệ thống thủy lợi có tính liên vùng, tiểu vùng; (3) Thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: Trong quá trình phát triển, địa phương nào cũng muốn vươn lên, đã dẫn đến chuyện xung đột về lợi ích; trong khi biến đổi khí hậu đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính của một tỉnh, cần có sự tiếp cận, giải quyết theo vùng, thông qua tập thể. Do đó, 13 tỉnh, thành cần nhìn về một hướng với mục tiêu chung, nhận thức chung thông qua hợp tác, liên kết với nhau; với phương châm: “Muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, và muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”.

Theo: NHẬT HỒ - TRẦN LƯU - SỞ HẠ - Báo Lao động

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp