Logo
Banner

Nỗ lực đưa Hậu Giang thành tỉnh khá vùng đồng bằng sông Cửu Long

 

Thực hiện nhiều nhiệm vụ

Để trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL theo mục tiêu đề ra, thời gia qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Điển hình trong năm 2018, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu đề ra. Sang năm 2019, Hậu Giang tiếp tục phát huy như thành tích đạt được nên tiếp tục đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu, với 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Khẩu hiệu hành động của năm 2019 mà Hậu Giang đề ra trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là “Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2018. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng - an ninh, phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Từ khẩu hiệu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương đã ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ, cũng như đã triển khai đạt nhiều kết quả bước đầu khi kết thúc quý I.

Điển hình là tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo người dân phát triển sản xuất, nhất là có giải pháp giúp bà con tiêu thụ lúa Đông xuân được thuận lợi và có lợi nhuận. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh còn tập trung phòng, chống xâm nhập mặn và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ngay từ đầu năm. Ngoài ra, công tác thu ngân sách nhà nước hiện đạt 1.489 tỉ đồng, chiếm 21,25% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội được 2.975 tỉ đồng, tăng 6,3% so cùng kỳ; các hoạt động đón tết được chuẩn bị chu đáo và diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, tiết kiệm và hướng về cơ sở; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ổn định…

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thông tin: Qua theo dõi trong những năm qua cho thấy, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều hoạt động ổn định về tổ chức, bộ máy, thực hiện tốt chức năng bảo vệ và phát triển rừng, giữ vững diện tích rừng hiện có, góp phần gìn giữ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, Hậu Giang có thành tích đáng tự hào và cần phát huy là kết thúc mùa khô năm 2018, tỉnh đạt mốc 8 năm liền không để xảy ra cháy rừng.

Ngoài những công việc trên, để góp phần nâng cao nguồn thu nhập và đời sồng người dân, thời gian qua, Hậu Giang còn quan tâm triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa theo điều kiện thực tế của địa phương. Riêng UBND tỉnh đã ban hành 4 chương trình, 4 đề án, 3 chỉ thị, 13 quyết định, 15 kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, mang tính định hướng cho quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng đang triển khai nhiều dự án mang tính tầm cỡ của vùng, như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang; phối hợp với Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Công ty Lavifood đầu tư 2 dự án về nhà máy chế biến rau, củ, quả cấp vùng để phát triển vùng trồng liên kết liên quan đến ngành hàng rau, củ, quả, với quy mô khoảng 100ha; thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... 

Những khó khăn

Bên cạnh triển khai tốt các nhiệm vụ thì trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên cần được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Điển hình, hiện Hậu Giang là tỉnh duy nhất của cả nước còn 3 xã không có đường ô tô về trung tâm xã nên tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét bố trí vốn để tỉnh xây dựng 3 tuyến đường này nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết cho người dân. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn cho dự án “Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 61B, đoạn ngã ba Vĩnh Tường - thị xã Long Mỹ” do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.

Về khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay: Ba tuyến đường ô tô về trung tâm xã của Hậu Giang đã được Bộ ghi vào nguồn vốn bố trí trung hạn, với số vốn 180 tỉ đồng và số tiền này sẽ được cấp cho tỉnh trong thời gian tới. Riêng dự án cải tạo Quốc lộ 61B, hiện nhà đầu tư đã có vốn, tỉnh sớm phê duyệt giá đền bù hỗ trợ cho người dân để dự án sớm được triển khai.  

Ngoài khó khăn trên thì do Hậu Giang là tỉnh mới thành lập nên nguồn ngân sách của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 41,08% nhiệm vụ chi ngân sách, số còn lại do Trung ương trợ cấp nên tỉnh mong muốn Chính phủ chấp thuận hỗ trợ 100 tỉ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương để thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh. Đặc biệt, trong những năm qua, tại huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy... tình hình sạt lở thường xuyên xảy ra với mức độ thiệt hại qua các năm ngày càng tăng cao, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân ở các khu dân cư sinh sống tập trung dọc theo các bờ kênh; trong đó nhiều nhất là dọc theo sông Mái Dầm và khu vực thị trấn Ngã Sáu. Ngoài ra, tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm nên một số địa phương trên địa bàn tỉnh như huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh cũng thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân gặp không ít khó khăn.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thêm: Tình hình sạt lở bờ sông và xâm nhập mặn luôn diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong mùa khô năm 2019, hiện độ mặn đo được cao nhất đã lên đến 10,8‰ nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh cũng ghi nhận 11 điểm sạt lở bờ sông, tăng 5 điểm so với cùng kỳ. Do đó, để người dân trong vùng sạt lở, xâm nhập mặn ổn định cuộc sống, Hậu Giang mong Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn cho tỉnh thực hiện các công trình di dời dân và phòng, chống thiên tai, cũng như 3 dự án mang tính liên kết vùng nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ thành quả sản xuất cho bà con. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chấp nhận đề xuất của tỉnh về việc thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp ngành hàng rau và quả tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2026”, với tổng mức đầu tư 1.628 tỉ đồng.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho hay: Dự án thương mại hóa nông nghiệp của Hậu Giang là rất hay nhưng phạm vi mà tỉnh đưa ra quá rộng. Do đó, để thực hiện được thì tỉnh cần cụ thể hơn những nội dung và chọn một hay hai hướng đột phá để khi triển khai sẽ đạt hiệu quả cao. Vì vậy, tới đây Bộ Công thương sẽ có kế hoạch phối hợp, giúp đỡ tỉnh trong thực hiện dự án, cũng như tháo gỡ những khó khăn liên quan đến ngành hàng mà Hậu Giang đang gặp phải. 

Chia sẻ với lãnh đạo tỉnh nhân chuyến thăm và làm việc tại Hậu Giang mới đây, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: Tuy là tỉnh được thành lập cách nay không lâu (15 năm), nhưng Hậu Giang đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước. Trong đó, điều ấn tượng của Hậu Giang là địa phương đã hình thành được nhiều vùng sản xuất cây, con, nuôi thủy sản tập trung có giá trị kinh tế và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác. Hiện tại, tỉnh đã có nhiều mặt hàng có thương hiệu và thị trường trong nước, nước ngoài biết đến. Ngoài ra, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Hậu Giang đang là điểm sáng của vùng ĐBSCL khi có nhiều mô hình, cách làm hay. Nhờ vậy, Hậu Giang đã có một đơn vị cấp huyện và 29/54 xã đạt chuẩn NTM; đồng thời tỉnh cũng đang dẫn đầu vùng ĐBSCL về bình quân số tiêu chí đã đạt/xã. Sắp tới đây, Hậu Giang sẽ có thêm hai đơn vị cấp huyện nữa đạt chuẩn NTM là huyện Châu Thành A và thành phố Vị Thanh. Từ những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, tin rằng khoảng 5 năm tới Hậu Giang sẽ trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL.

Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chính phủ đã nhận thấy và hết sức chia sẻ với những khó khăn mà Hậu Giang đang gặp phải. Trong đó, Chính phủ sẽ xem xét giải quyết trước những vấn đề mang tính cấp bách cho địa phương, như: Thống nhất bố trí vốn cho tỉnh đầu tư tuyến đường ô tô về trung tâm 3 xã, đồng thời các bộ, ngành liên quan cũng sớm phân bổ kinh phí cho tỉnh thực hiện những công trình ứng phó thiên tai, như: xâm nhập mặn, sạt lở và công trình liên kết vùng; riêng những công trình, dự án khác sẽ đưa vào danh mục trung hạn và sẽ bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên theo từng giai đoạn...

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp