Logo
Banner

Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nhanh chóng phục hồi sản xuất

(HG) - Chiều ngày 21-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các địa phương về tình hình hoạt động trở lại của các doanh nghiệp sau nới lỏng giãn cách xã hội.

 

Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 2.755 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 1.440 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và thu hẹp quy mô sản xuất. Số hộ kinh doanh tạm dừng và giảm quy mô hoạt động cũng lên đến 27.000 cơ sở, hộ kinh doanh. Nhìn chung cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều bị tác động bởi dịch Covid-19. Dù vậy, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động và nối lại sản xuất khi tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội dần bước vào trạng thái bình thường mới. Đến nay UBND tỉnh và các địa phương đã phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh cho 451 doanh nghiệp và hộ cá thể với hơn 23.545 lao động.

Quang cảnh buổi họp trực tuyến với các địa phương.

Tỉnh cũng triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ để tiếp thêm nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cụ thể thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23 của Chính phủ, đến ngày 19-10 Hậu Giang đã giải quyết cho 2.474 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và 87.953 người với tổng số tiền hơn 97 tỉ đồng. Cục Thuế tỉnh đã gia hạn thời gian nộp thuế cho 366 doanh nghiệp với tổng số tiền 101 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi cho khách hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp nước sinh hoạt, viễn thông, Công ty Điện lực Hậu Giang thực hiện giảm tiền, giảm giá kịp thời cho doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch 171 của UBND tỉnh về phục hồi kinh tế. Tiếp tục nắm tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về sản xuất kinh doanh, tiếp cận chính sách, thủ tục hành chính để tháo gỡ kịp thời. Rà soát các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 và Nghị quyết 116 của Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng bỏ sót đối tượng. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp để đẩy nhanh phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà thầu thi công, cơ sở, hộ kinh doanh hoạt động lại, mở rộng quy mô xuất, xây dựng phương án phòng chống dịch trong tình hình mới, bám sát hướng dẫn tạm thời của UBND tỉnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Các đơn vị phối hợp thẩm định, phê duyệt phương án đúng quy định và nhanh chóng. Đối với doanh nghiệp, cần thực hiện nghiêm phương án đã duyệt, có biện pháp xử lý khi phát hiện trường hợp F0, tránh lây lan ra toàn khu vực sản xuất.

 Theo: T.TRANG - baohaugiang

 

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp