Logo
Banner

Tạo bước đột phá chiến lược về chỉ số cạnh tranh

Nhằm thực hiện mục tiêu của đột phá chiến lược là “Nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từng năm và cả nhiệm kỳ”, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh, giai đoạn 2017-2021. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Hậu Giang đã lược ghi ý kiến của ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang rất quan tâm đến công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính của tỉnh.

Nhiều chuyển biến tích cực

Qua 5 năm thực hiện cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành có nhiều chuyển biến từ nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác CCHC trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; thống nhất trong hành động, xây dựng chương trình, kế hoạch và quan tâm tổ chức thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện cải thiện các chỉ số.

Việc đẩy mạnh chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công của tỉnh trong thời gian qua đã giúp người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong nắm bắt kịp thời các thông tin hoạt động của tỉnh, đồng thời gia tăng tương tác giữa Nhân dân với chính quyền bằng nhiều hình thức phù hợp, đa dạng trong thời gian qua đã thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học vào các lĩnh vực đời sống hướng đến xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Kết quả thực hiện chỉ số PCI có nhóm chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh Hậu Giang (thể hiện đạo đức công vụ) là điểm sáng, được xếp thứ hạng cao trong cả nước. Công tác giám sát, phúc tra kết quả điều tra xã hội học đảm bảo nghiêm túc, toàn diện, đúng đối tượng. Qua đó, giúp cho lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phát huy các tiêu chí thành phần đang có chiều hướng tăng hạng, đồng thời chỉ đạo cải thiện những chỉ số chưa đạt yêu cầu.

Kết quả các chỉ số CCHC của tỉnh tăng xếp hạng liên tục so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Chỉ số cải cách hành chính tăng từ thứ 7/13 tỉnh vùng ĐBSCL và thứ 41/63 tỉnh năm 2017 lên thứ 4/13 tỉnh, thành ĐBSCL và thứ 27/63 tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt trong năm 2021, mặc dù tỉnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, hầu hết các chỉ số đều tăng hạng so với những năm trước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế rất cần nhìn nhận thẳng thắn và nghiêm túc rút kinh nghiệm khắc phục. Các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh của tỉnh tuy có tăng hạng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa tương xứng với nguồn lực, tiềm năng, kỳ vọng của tỉnh. Đặc biệt, chưa phản ánh đúng thực tế đổi mới mạnh mẽ hoạt động của hệ thống chính trị và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian gần đây. Nguyên nhân là nhận thức của một bộ phận cán bộ, kể cả lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa, tác động của xếp hạng cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Giải pháp để tạo bước đột phá

Để thực hiện thành công mục tiêu CCHC nói chung và kết quả các chỉ số cạnh tranh nói riêng ngày càng tiến bộ, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành đề nghị các các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, định hướng của Trung ương, của tỉnh về CCHC, cải thiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh, nhất là Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/02/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 40 ngày 02/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác CCHC và nâng cao chất lượng các chỉ số cạnh tranh của tỉnh.

Tăng cường chỉ đạo tạo bước chuyển biến đột phá, thực chất trong công tác CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng cải thiện nhanh thứ hạng xếp loại chỉ số cải cách hành chính trong các tỉnh, thành trên cả nước. Duy trì và tiếp tục nâng cao các chỉ số tăng điểm. Đồng thời tập trung phân tích, đánh giá các nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục, cải thiện tối đa điểm số các tiêu chí, chỉ số thành phần.

Phân công chỉ tiêu, kế hoạch và trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ cải cách các chỉ số hành chính. Coi kết quả các chỉ số đánh giá về sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ; tăng trọng số điểm CCHC trong các chỉ tiêu thi đua của các đơn vị và người đứng đầu đơn vị, gắn với đánh giá, xếp loại cán bộ và thực hiện các chính sách cán bộ.

Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Tập trung nghiên cứu sớm ban hành quy định, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp và người dân hướng đến thực hiện mục tiêu giảm 50% thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục cho các nhà đầu tư tiềm năng (không giảm cơ học mà giảm do cải cách quy trình và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số). Sớm trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về cải cách hành chính, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, nhất là xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục hành chính. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu tại hội nghị.

Tăng cường tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về bản chất, tầm quan trọng và ý nghĩa của các chỉ số cạnh tranh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoàn thiện các cơ chế, giải pháp khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đầu tư trang thiết bị, phần mềm để nâng cao chất lượng giải quyết, luân chuyển hồ sơ trên môi trường điện tử; nâng cấp cổng dịch vụ công, tăng cường triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử và sử dụng các tiện ích trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức.

Cùng với đó, các cơ quan, chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch, thông tin trên website cơ quan chính quyền, đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư...

Chú trọng nâng cao chất lượng dữ liệu thông tin nguồn: số lượng, chất lượng thông tin, tính cập nhật thông tin kịp thời, khoa học, giao diện các trang thông tin… Thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, người dân cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả địa phương. Các cơ quan hành chính cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thành phố, thị xã tập trung nâng cao chất lượng giải quyết công việc, thủ tục hành chính đối với tổ chức và cá nhân bảo đảm tỷ lệ đúng hẹn 100%.

Thường xuyên khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân trong giải quyết các thủ tục hành chính, kịp thời tiếp thu ý kiến, điều chỉnh, cải thiện, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp, với quyết tâm chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ (thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ và nhận thức một văn hóa, một ngôn ngữ, đó là cùng một tuyên ngôn và cùng hành động làm mục tiêu chung). Tiếp tục tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nghiên cứu đổi mới cà phê doanh nhân theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp cho đội ngũ công chức, viên chức. Mở lớp tập huấn cho cán bộ công chức giao dịch một cửa về kỹ năng. Xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; chuyển tư duy từ “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”.

Tăng cường phân cấp, phân quyền CCHC trong bộ máy chính quyền các cấp; gắn với cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu về kết quả cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị, địa bàn. Sớm kiện toàn nhân sự bộ máy triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, nhất là các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm ngang tầm nhiệm vụ.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh xem xét, thành lập đoàn công tác của tỉnh đi học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố có chỉ số cạnh tranh trong top 10 trên cả nước, để học hỏi, rút kinh nghiệm nhằm cải thiện các chỉ số của tỉnh trong thời gian tới.

Nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh việc thực hiện chỉ số cạnh tranh của tỉnh liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực, đồng thời, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân. CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có chuyển biến hay không, có đạt mục tiêu hay không, phụ thuộc vào người đứng đầu đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp.

Trên tinh thần đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường nhận thức đúng, trúng, tập trung các biện pháp, giải pháp triển khai sâu sát, quyết liệt đạt chuyển biến thực chất, kết quả đo lường là tăng các chỉ số, nâng xếp hạng của tỉnh từng năm và cả nhiệm kỳ.

Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng rằng, với sự vào cuộc chủ động và tích cực của các sở, ngành, địa phương, Hậu Giang sẽ tiếp tục đạt được những kết quả khả quan về điểm số các chỉ số cạnh tranh trong thời gian tới, vì mục tiêu phát triển bứt phá và bền vững của tỉnh nhà…

Có thể khẳng định, CCHC là một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2020-2025; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tạo sức bật trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, mục tiêu, đến năm 2025 PAR INDEX xếp thứ 23/63 (hiện tại xếp 27 phải tăng thêm 4 bậc); SIPAS xếp 30/63 (hiện tại 50 phải tăng thêm 20 bậc); PAPI xếp 22/63 (hiện tại 33 phải tăng thêm 11 bậc); PCI xếp 30/63 (hiện tại 38 phải tăng thêm 8 bậc).

 

Nguồn: baohaugiang - Tin: H.THU - M.TOÀN lược ghi

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp