Logo
Banner

Thách thức trong hành trình “cất cánh” của đồng bằng

Bên cạnh tập trung phát huy các nguồn lực nội tại, để phát triển bền vững ĐBSCL theo các chuyên gia nhận định, vùng cần chủ động tìm ra các giải pháp để thích ứng với việc biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

ĐBSCL đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Bài 2: Hiến kế để đất Chín Rồng vươn mình

Đã có nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, điều trăn trở lớn nhất đối với vùng ĐBSCL hiện nay là kết quả của quá trình phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Tạo nguồn nhân lực để phát triển nông nghiệp số

ĐBSCL đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước: chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Lợi thế rất lớn, nhưng tiềm năng về sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất bấp bênh và hạn chế. PGS.TS Võ Thành Danh, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Để phát triển bền vững nền nông nghiệp của vùng, trong thời gian tới, chúng ta nên thực thi có hiệu quả và hiệu lực các chính sách liên kết nội vùng, liên vùng. Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm về giao thông, cảng biển, logistics nội vùng, liên vùng. Phát triển mạnh và kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số; xây dựng các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trọng điểm…”.

Để phát triển thế mạnh từ nông nghiệp, ngoài chủ động chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thì ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất được xác định là giải pháp quan trọng hướng đến nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, phát triển nền nông nghiệp bền vững. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam: “ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản chiếm khoảng 45% trong tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản của quốc gia. Đẩy mạnh cơ giới hóa ở đây sẽ làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng giá trị cho người nông dân”. Hiện ngành nông nghiệp đang tập trung thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Gia tăng sự chuyển giao sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp.

Với đặc thù kinh tế nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, việc tạo nguồn nhân lực để phát triển nông nghiệp số đang là xu hướng và được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư. TS Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc điều hành RYNAN Technologies Vietnam, chia sẻ: Cuối năm 2019, cùng với GS.TS Võ Tòng Xuân và Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua (“cha đẻ” gạo ngon nhất thế giới ST25), ông Mỹ được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”. Nhiều người thắc mắc, thầy Xuân và bác Cua thì công lao, thâm niên đã rõ, còn ông Mỹ đi sâu vào nông nghiệp chưa lâu thì được vinh danh vì lý do gì. Ông Mỹ trả lời vui rằng: Thầy Xuân và bác Cua làm nông nghiệp “dưới đất” còn ông thì làm nông nghiệp “trên mây”. Hiện tại, ông Mỹ đang theo đuổi lĩnh vực nông nghiệp số. RYNAN Technologies Vietnam là đơn vị tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số để xây dựng những quy trình sản xuất hiệu quả và phát triển bền vững hơn trong nông nghiệp và thủy sản.

Để phát triển nền nông nghiệp bền vững trong tương lai, ông Mỹ đề xuất một mô hình rất hay trong thu hút nhân tài cho lĩnh vực khoa học công nghệ ở ĐBSCL là: RYNAN Technologies Vietnam sẽ đồng hành cùng Trường Đại học Cần Thơ thành lập chương trình “sinh viên vừa đi học vừa đi làm” (Cooperative Education - Co-Op). Theo đó, sinh viên từ năm thứ 2, mỗi năm, sẽ đi làm 4 tháng có lương và về lại trường 8 tháng để học chuyên môn. Như vậy, trong 4 năm đi học, sinh viên sẽ có 3 lần đi làm Co-Op. RYNAN Technologies Vietnam đã từng hợp tác với nhiều trường đại học thực hiện Co-Op suốt 16 năm qua và rất thành công.

Riêng về bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng ĐBSCL, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất thêm: “Để nâng cao chất nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới, về mặt giáo dục - đào tạo, đòi hỏi phải đổi mới chương trình đào tạo thích ứng trong điều kiện mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, với vấn đề hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin. Tiếp đến là đào tạo, phân luồng tốt hơn vì hiện nay phân luồng đào tạo nghề và đào tạo trình độ đại học chưa hiệu quả. Về mặt khoa học - công nghệ, đòi hỏi sự đổi mới về mặt khoa học công nghệ, xây dựng các danh mục sản phẩm khoa học công nghệ…”.

Phải có địa phương tiên phong đứng ra làm đầu tàu liên kết

Bên cạnh tập trung phát huy các nguồn lực nội tại, để phát triển bền vững ĐBSCL, theo các chuyên gia nhận định: Vùng cần chủ động tìm ra các giải pháp để thích ứng với việc biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta nên đẩy mạnh các giải pháp công nghệ về giống, cây trồng, công nghệ canh tác trong điều chỉnh kỹ thuật mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với các hiện tượng thiên tai cực đoan và các mô hình kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn…

Ngoài tìm giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, để phấn đấu đến năm 2030 quy mô kinh tế tăng gấp 2,5 đến 3 lần so với năm 2021; tăng trưởng bình quân đạt 6,5 đến 7%/năm như mục tiêu được nêu trong Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi các tỉnh, thành trong vùng cần có sự liên kết. Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, từng nhận định: “Thật ra, đa số các tỉnh vùng ĐBSCL chưa được liên kết chặt chẽ, các tỉnh đều tương đồng với nhau. Vì vậy, để kết nối cần tập trung cho các hoạt động như: triển khai những điển hình, ứng dụng hay để làm sao lan tỏa ứng dụng đó cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL”.

Không nằm ngoài xu thế tất yếu, một trong những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hiện nay, đang được các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL tập trung là chuyển đổi số. Ông Phạm Kim Sơn, đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), cho biết: “Liên kết vùng để chuyển đổi số là mong muốn nhiều năm nay của các tỉnh, để liên kết vùng hiệu quả, thì việc dùng công nghệ số để liên kết là phù hợp nhất. Liên kết vùng chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, trong điều kiện sản xuất chuỗi giá trị như hiện nay, không liên kết vùng không thể tồn tại được. Tuy nhiên, khó khăn nhất của chúng ta hiện là chưa có sự bắt tay mạnh mẽ của các tỉnh. Ngoài ra, chưa có địa phương tiên phong đứng ra làm đầu tàu trong liên kết, đây hiện là rào cản rất lớn trong việc liên kết vùng trong chuyển đổi số”.

Trong bối cảnh với cơ hội và thách thức mới, cùng với định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng của Đảng và Chính phủ đã đề ra, để phát triển vùng ĐBSCL đòi hỏi các tỉnh, thành trong vùng phải liên kết chặt chẽ. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần có những định hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng, qua đây, góp phần khai thác tốt thế mạnh của vùng ĐBSCL, cùng đưa toàn vùng “cất cánh”.

Nguồn: Báo Hậu Giang -Bài, ảnh: AN NHIÊN

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp