Logo
Banner

Vực dậy vùng đất “chín rồng” Kỳ 2

Những năm qua, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL đã hoàn thành, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn khu vực.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 61B, đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, sau khi hoàn thành sẽ giúp phát huy tối đa vai trò liên kết vùng.

Nhiều công trình được đầu tư

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, trong giai đoạn từ 2016-2021, Bộ GTVT đã phối hợp với ngành chức năng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL triển khai đầu tư xây dựng 31 dự án, công trình giao thông với tổng mức đầu tư gần 89.000 tỉ đồng; trong đó, có 14 dự án đã hoàn thành nâng cấp và xây dựng mới 281km đường quốc lộ. Bên cạnh đó, còn hoàn thành 46,5km luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, nạo vét 28km tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 41.474 tỉ đồng. Ngoài ra, có 14 dự án đang triển khai thực hiện bao gồm 720km đường quốc lộ và cao tốc, xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi; cũng như hoàn chỉnh luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu và tuyến kênh Chợ Gạo với tổng mức đầu tư 40.494 tỉ đồng...

Từ sự quan tâm đầu tư như trên nên đến nay, hệ thống giao thông vùng ĐBSCL có nhiều bước phát triển quan trọng. Cụ thể về đường bộ, đã cơ bản nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1; đưa vào khai thác toàn tuyến N2 với quy mô 4 làn xe từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi, trong đó có 2 cầu đặc biệt lớn; đồng thời nâng cấp một số đoạn đường và cầu lớn trên tuyến hành lang ven biển phía Đông như: Quốc lộ 50 và 60, cầu Mỹ Lợi, cầu Cổ Chiên; cơ bản thông tuyến đường cao tốc đoạn Trung Lương đi Mỹ Thuận, đang đầu tư cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp một số tuyến quốc lộ trọng yếu như Quốc lộ 53, 57, 30…

Đầu tư hạ tầng giao thông là đòn bẩy để đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Về giao thông đường thủy nội địa, đã đầu tư nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ với vùng ĐBSCL đạt chuẩn như: Cửa Định An qua Tây Châu, Sài Gòn - Cà Mau qua kênh Xà No, Sài Gòn - Kiên Lương qua kênh Lấp Vò, Sài Gòn - Cà Mau - tuyến ven biển, Sài Gòn - Kiên Lương - qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, đã nâng cấp giai đoạn 1 kênh Chợ Gạo đảm bảo cho tàu trọng tải 800-1.000 tấn lưu thông.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, khẳng định: Giao thông được mệnh danh là mạch máu của nền kinh tế. Bởi giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển theo, đồng thời giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế. Do đó, trong nhiều nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển GTVT của khu vực ĐBSCL. Trong Nghị quyết 120, Chính phủ cũng nhìn nhận hệ thống GTVT của vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ GTVT và các địa phương trong khu vực 2 nhiệm vụ trọng tâm phát triển giao thông là điều chỉnh lại quy hoạch giao thông vận tải trong vùng và đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 với tiêu chí là sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông của vùng; thứ hai là tập trung nguồn lực để chỉ đạo, hoàn thành những công trình trọng điểm, dự án đang triển khai trên địa bàn.

“Qua thực tiễn đầu tư trong thời gian qua có thể khẳng định các dự án sau khi được triển khai và đưa vào khai thác đã thực sự phát huy hiệu quả. Các dự án đều là những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, các giải pháp đầu tư đã chú trọng đến thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo ổn định bền vững cho các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Lộ thông, tài thông

Những năm qua, vùng ĐBSCL đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, kéo theo đó là sự phát triển chậm về kinh tế, xã hội của vùng. Cả vùng mới chỉ có hơn 40km đường cao tốc, trong khi có tới 80% khối lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ để xuất khẩu.

Tính riêng mạng lưới cao tốc, phát triển nhất hiện nay là khu vực phía Bắc đã khai thác 747km, đang đầu tư 130km. Trong khi đó, là vùng phát triển trọng điểm cả nước, nhưng khu vực phía Nam mới đưa vào khai thác được 49km. Theo tính toán thì vùng ĐBSCL hiện thấp nhất cả nước với 2,29 km/1 triệu dân, chỉ bằng khoảng 1/10 so với khu vực trung du phía Bắc và đồng bằng sông Hồng.

“Lộ thông, tài thông”, thấu hiểu được điều này, vùng ĐBSCL đang và sẽ được đẩy mạnh đầu tư để tháo “điểm nghẽn” về giao thông cho toàn vùng. Đây không chỉ là niềm mong mỏi của chính người dân, của chính quyền các địa phương, mà còn thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược, dài hạn của các bộ, ngành Trung ương.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đề xuất bổ sung các tuyến đường kết nối tỉnh, tiểu vùng Đồng Tháp Mười như Đường tỉnh 865, Đường tỉnh 863 và Đường tỉnh 869 và nâng cấp một phần Đường tỉnh 866 và toàn tuyến Đường tỉnh 865, nối 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, vì cho rằng rất quan trọng để kết nối liên vùng.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết: “Điểm nghẽn lớn nhất cũng là nguyên nhân lớn nhất của sự phát triển không đồng bộ so với các vùng khác trong cả nước đó là về giao thông, cho nên trong quy hoạch lần này thể hiện rất rõ, đó là các trục giao thông chính như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ rồi trục N2, đặc biệt là trục ven biển, tôi cho rằng đây là quan điểm chiến lược của Quốc gia cho vùng ĐBSCL. Tôi nghĩ rằng, nếu các trục này chúng ta đẩy mạnh và quan tâm đầu tư thì chắc chắn vùng ĐBSCL sẽ phát triển hơn nữa”.

So với các tỉnh khác trong vùng, Hậu Giang được hưởng lợi lớn nhờ vào phát triển hệ thống giao thông vùng và theo phê duyệt tuyến đường cao tốc tới đây có đến 50% chiều dài trục đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang - đây là lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh. Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: “Hiện nay, tỉnh đang lựa chọn đơn vị tư vấn để đồng thời xây dựng Quy hoạch tỉnh gắn với Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng. Đây là một quy hoạch tổng thể của tỉnh chưa từng có, mang tầm hoạch định chiến lược dài hạn, tận dụng lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để nâng tầm vị thế phát triển tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn mới”.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung đầu tư và nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến đường kết nối từ thành phố Vị Thanh với thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực. Đặc biệt, tỉnh sẽ đề xuất Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan của Trung ương bổ sung 4 dự án giao thông đường bộ và đường thủy liên vùng, đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang, gồm: Dự án đường nối thành phố Vị Thanh - Cần Thơ giai đoạn 2 (Quốc lộ 61C); dự án Đường 926B tỉnh Hậu Giang kết nối tuyến Quản lộ Phụng Hiệp tỉnh Sóc Trăng; dự án đường dọc kênh 8000; dự án nạo vét các kênh chính của tỉnh Hậu Giang ứng phó với biến đổi khí hậu kết nối với các tỉnh lân cận là Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ...

Sẽ hình thành nhiều tuyến đường cao tốc

Về vấn đề giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, ưu tiên đặc biệt cho một số nhóm dự án như: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau; cao tốc An Hữu - thành phố Cao Lãnh - cầu Vàm Cống - Rạch Giá; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề,... Nếu làm tốt, đến năm 2025, chúng ta sẽ có 300km đường cao tốc trong vùng. Như thế để thấy, Trung ương, Chính phủ rất quan tâm, tập trung cho cao tốc. Bên cạnh đó là triển khai 7 tuyến quốc lộ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết thêm, với mục tiêu số 1 ưu tiên cho hạ tầng giao thông, đối với 7 tỉnh ven biển là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sẽ hoàn thành khép kín dự kiến khoảng 378km đường ven biển, cải tạo nâng cấp khoảng 48,5km đường, 184 cầu trung và nhiều cầu nhỏ, ngoài ra có 5 cây cầu lớn vượt sông Tiền. Với 6 tỉnh không có biển, sẽ hoàn thành 138,3km đường, 167 cầu trung và nhiều cầu nhỏ; tăng diện tích tưới tiêu lên tới 78.800ha, phòng chống sạt lở trên 10km, cải tạo nâng cấp 43km đường giao thông; cải tạo, nâng cấp 265km đường quốc lộ…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 cho biết, hiện nay 4 quy hoạch quốc gia của ngành giao thông vận tải (gồm quy hoạch đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy) đã được ban hành, còn quy hoạch hàng không đang trong quá trình phê duyệt. Do đó, đề nghị tiếp tục cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia này vào quy hoạch vùng ĐBSCL.

“Muốn phát triển được vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Muốn huy động doanh nghiệp vào thì phải trên cơ sở đã có quy hoạch. Chúng ta mời họ vào khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư các hình thức như PPP”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh phát triển hạ tầng, cùng với liên kết, chuyển đổi mô hình sản xuất cũng được các tỉnh ĐBSCL tính đến với mục tiêu đưa vùng đất vốn tiềm năng này ngày càng thêm phát triển.

Nguồn: Báo Hậu Giang -Bài, ảnh: H.THU - N.HƯỞNG

---------

Bài 3: Chuyển đổi mô hình sản xuất

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp