Logo
Banner

Vực dậy vùng đất “chín rồng” Kỳ 3

ĐBSCL có nhiều lợi thế, nhưng có nhiều yếu tố tác động dẫn đến kìm hãm sự phát triển của vùng. Quy hoạch và cơ cấu lại sản xuất, liên kết chuỗi giá trị là bước đi để giúp ĐBSCL cất cánh.

Theo quy hoạch tới đây sẽ giảm diện tích đất lúa để chuyển sang các loại cây trồng khác.

Nhiều yếu tố tác động

ĐBSCL là vùng có đất đai phì nhiêu và là nơi sản xuất và xuất khẩu gạo, trái cây, cá và thủy sản lớn nhất, nhưng GDP bình quân đầu người vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước. Các chính sách quốc gia khuyến khích sản xuất lúa gạo giúp bảo đảm an ninh lương thực, nhưng lại hạn chế sản xuất các cây trồng có giá trị cao hơn và thu nhập tiềm năng của nông dân. Các tác động ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu và các đập ở thượng nguồn đang tạo ra sự bất ổn trên toàn vùng.

Ngoài ra, tình trạng xuất cư, đặc biệt là ở các nhóm tuổi năng động trẻ hơn rời khỏi các vùng nông thôn là những hiện tượng nhân khẩu học có thể quan sát được. ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để cải thiện vị trí kinh tế do vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, nhưng vùng phụ thuộc rất nhiều vào Thành phố Hồ Chí Minh để chuyển hàng xuất khẩu và tiếp cận tài chính.

Theo các chuyên gia, thành tựu trong nông nghiệp đã phải trả giá bằng môi trường, kèm theo ô nhiễm nguồn nước và khai thác nước ngầm trên diện rộng góp phần làm sụt lún đất. ĐBSCL hiện nay cũng là khu vực có độ che phủ rừng thấp nhất của Việt Nam so với các khu vực còn lại, đặc biệt là rừng ngập mặn, đang chịu áp lực do xói lở bờ biển và mở rộng nuôi trồng thủy sản. Các vấn đề phát triển khác bao gồm việc đổ chất thải rắn tràn lan và việc thực thi các quy định còn yếu kém, như khai thác cát trái phép - gây xói mòn bờ sông và làm giảm lượng phù sa sẵn có. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, vào năm 2050, gần 50% khu vực có thể nằm dưới mực nước biển trung bình do nước biển dâng và sụt lún đất ngày càng gia tăng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư các công trình hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Ngoài ra, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách thật sự mang tính đột phá để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách. Chúng ta bước đầu đã giải quyết có hiệu quả bài toán “thích ứng” nhưng bài toán “chủ động” vẫn còn nhiều khó khăn phía trước; nhất là tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển là vấn đề cấp bách nhưng mới chỉ xử lý cục bộ, chưa có giải pháp tổng thể gắn với sắp xếp lại dân cư ven sông, ven biển.

Ngoài ra, vấn đề hạ tầng giao thông vẫn là “điểm nghẽn” trong phát triển của vùng; đồng thời dịch vụ logistics để phục vụ xuất khẩu nông - thủy sản cho vùng còn rất hạn chế. Mặt khác, ĐBSCL vẫn cần nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; đặc biệt là về đất đai, vốn, khoa học công nghệ… Vì sản xuất nông nghiệp của vùng có tính đặc trưng riêng so với các vùng kinh tế khác trong nước.

Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” đặt mục tiêu tăng cường liên kết vùng, hình thành các tiểu vùng sinh thái trong ĐBSCL để làm định hướng phát triển. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn hiện tại là việc chưa cụ thể hóa các giải pháp về mặt tổ chức vùng và cơ chế phối hợp ngân sách giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau. Việc thiếu luật hóa các quy định về tổ chức chính quyền cấp vùng hoặc về tổ chức liên kết vùng và cơ chế ngân sách phù hợp là những trở ngại trong triển khai liên kết vùng của ĐBSCL. Bên cạnh đó, sự tương đồng về cấu trúc kinh tế và sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh ĐBSCL vô hình trung là trở ngại cho việc liên kết vùng. Các hoạt động thực tiễn trong liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm thực tế rất ít.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho rằng, vùng ĐBSCL nói chung và tiểu vùng Nam sông Hậu nói riêng có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản nhưng đang đứng trước thách thức lớn của đại dịch Covid-19. Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ, để bảo đảm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, các tỉnh, thành trong vùng cần tăng cường liên kết trong phòng, chống dịch, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là việc cần phải đẩy mạnh liên kết vùng, phải liên kết giữa các tỉnh với nhau để cùng phát triển những lợi thế của nhau.

Nhiều hộ dân trồng mãng cầu xiêm tại xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tham gia HTX nên có thị trường đầu ra và giá bán ổn định.

Cơ cấu lại sản xuất

ĐBSCL hiện sản xuất khoảng 24 triệu tấn lúa. Quy hoạch vùng ĐBSCL dự kiến giảm lượng này xuống khoảng 16 triệu tấn vào năm 2050, nhưng vẫn đáp ứng các mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất lúa gạo vẫn sẽ được chú trọng, cùng với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trong các khu vực canh tác nhỏ hơn ở phía Tây Bắc của vùng có thể đảm bảo nước ngọt quanh năm. Điều này sẽ cho phép nhiều nông dân trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn, chẳng hạn như trái cây và rau và cũng có thể hưởng lợi từ việc mở rộng diện tích được sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Theo thời gian, tổng diện tích được giao cho lúa trong toàn vùng sẽ giảm. Thay đổi cây trồng và chế biến liên quan sẽ tăng thu nhập ước tính 11,4 tỉ đô la/năm vào năm 2030 và 21,1 tỉ đô la/năm vào năm 2050.

Sự chuyển đổi nông nghiệp này cũng đã bắt đầu, vì nông dân nhận thức được lợi nhuận cao hơn từ các cây trồng khác. Diện tích trồng lúa đã giảm trên phạm vi cả nước và trong vùng kể từ năm 2013, mặc dù năng suất tiếp tục tăng do đầu vào cho sản xuất cũng tăng lên. Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước tăng khoảng 67% trong giai đoạn 2009-2019, với ĐBSCL đóng góp 70% tổng lượng tăng này. Vùng cũng đang sản xuất nhiều trái cây và rau màu hơn, chẳng hạn sản lượng khoai lang trong vùng đã tăng gấp đôi từ năm 2009-2019 lên khoảng 556.000 tấn, hiện chiếm 40% tổng sản lượng cả nước so với 23% trước đây.

Chiến lược của quy hoạch vùng ĐBSCL là khuyến khích và hỗ trợ nông dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, đặc biệt là ở các vùng ranh nước lợ. Điều này đòi hỏi các tỉnh phải cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất khỏi trồng lúa và nông dân được cung cấp đầy đủ dịch vụ hỗ trợ từ trồng trọt đến thu hoạch và sau đó liên kết họ với chế biến tại địa phương để đảm bảo mang lại nhiều lợi ích giá trị gia tăng hơn.

Trước đây, gia đình anh Võ Thái Ngọc, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, có 7 công ruộng, tuy nhiên canh tác không hiệu quả và thu nhập không cao. Cách đây mấy năm, anh Ngọc đã chuyển hướng sang trồng mãng cầu xiêm ở vùng đất lúa năng suất thấp. Hiện tại vườn mãng cầu của anh cho hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Anh Ngọc cũng là một trong nhiều hộ nông dân trong xã đã thấy hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi và tham gia HTX trồng mãng cầu xiêm ở xã Thuận Hòa. Từ khi mới thành lập vào năm 2017, với 31 thành viên, HTX đã có nhiều bước tiến trong nâng cao chất lượng hoạt động, liên kết và thu hút thành viên mới tham gia. Diện tích trồng mãng cầu xiêm của HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa cũng vượt 67ha với tổng số thành viên hơn 40. Ông Trần Phú Quốc, Giám đốc HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa, thông tin: Tình hình tiêu thụ các loại nông sản nói chung đều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng năm nay HTX được Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ký hợp đồng thu mua với giá 9.000 đồng/kg. Với mức giá này, năng suất khoảng 4-5 tấn/công, mỗi năm nhà vườn vẫn có thể cho thu nhập từ 35-45 triệu đồng/công.

Phải thừa nhận rằng, việc chuyển sang các loại cây trồng khác sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng lợi ích chung sẽ là đáng kể do tăng thu nhập cho người nông dân. GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng: Phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu đang được các địa phương vùng ĐBSCL làm khá tốt, nhất là chuyển từ lúa sang trồng cây ăn trái khá nhiều. Tuy nhiên, nhiều năm nay, một trong những khó khăn của người nông dân khi chuyển đổi là vấn đề đầu ra sản phẩm và diện tích chuyển đổi không tập trung. Vì vậy, chúng ta phải giải quyết tốt vấn đề đầu ra và không để thương lái hoành hành thì mới đem lại hiệu quả thực sự. Tới đây, chúng ta cần định hướng tư duy từng vùng, đó là vùng nào trồng cây gì? Từ định hướng đó, chúng ta mới kết hợp nông dân với nông dân thành những hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp để thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất bền vững.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, chủ trương “thuận thiên” từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương vùng ĐBSCL. Chuyển đổi kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh theo thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng, từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa.

Diện tích cây trồng, vật nuôi chuyển đổi trên đất lúa năm 2021 vùng Đông Nam bộ (ĐNB) và ĐBSCL ước đạt 77.328ha, trong đó vùng ĐNB là 6.401ha, vùng ĐBSCL là 70.927ha. Việc chuyển đổi trên đất lúa giúp sử dụng nước tiết kiệm và mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5-2,2 lần tùy điều kiện của từng vùng.

Thời gian qua, toàn tỉnh Hậu Giang đã chuyển đổi được gần 500ha lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm (dưa hấu, bắp, rau ăn lá...) và hơn 2.528ha sang cây lâu năm (bưởi, chanh không hạt, mít, mãng cầu, xoài, nhãn...). Nhìn chung, các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang cây trồng khác đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 70 đến hơn 300 triệu đồng/ha/năm so với sản xuất lúa trước đây.

 

Nguồn: Báo Hậu Giang -Bài, ảnh: H.THU - N.HƯỞNG

Bài 4: Phát triển theo nguyên lý “thuận thiên” có kiểm soát

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp