Hậu Giang: Tăng trưởng GRDP 6 tháng tiếp tục đứng đầu cả nước
Ngày 30/5, thông tin tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sơ kết, tổng kết các văn bản của Trung ương và của tỉnh, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh tiếp tục dẫn đầu khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng đầu cả nước.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Hậu Giang đạt 14,21%, dẫn đầu khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng đầu cả nước; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 34,97%; khu vực dịch vụ đạt 7,73%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,19%.
Các tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng kinh tế GRDP cao trong 6 tháng đầu năm 2023; tiếp theo là tỉnh Bắc Giang xếp thứ hai cả nước với mức tăng trưởng 10,94%; xếp thứ ba cả nước là thành phố Hải Phòng với mức tăng trưởng 9,94%; xếp thứ 4 là tỉnh Quang Ninh tăng trưởng mức 9,46% và xếp thứ 5 là tỉnh Cà Mau với mức tăng trưởng 8,61%.
Theo Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, những tháng đầu năm 2023, một số chỉ số kinh tế Hậu Giang tăng trưởng nổi bật như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,91%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,06%; doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi tăng 12,45%, xuất nhập khẩu hàng hoá trực tiếp tăng 6,44%.
Nhất là ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng gần 250% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do Công ty Điện lực Hậu Giang đã cung cấp đủ điện, an toàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế tối đa không để tình trạng mất điện, đảm bảo nhu cầu sử dụng cho người dân và các doanh nghiệp được hoạt động liên tục trong các đợt cao điểm nắng nóng như hiện nay.
Cùng với đó, ngành sản xuất phân phối điện tăng một phần là do các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu I chính thức vận hành thương mại và theo nhu cầu thực tế, nên dự tính sản lượng điện sản xuất đạt gần 570 triệu Kwh, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước, làm sản lượng tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước (cùng thời điểm năm trước các tổ máy đang trong thời gian chạy thử nên sản lượng đạt chỉ hơn 140 triệu Kwh). Vì vậy, chỉ số sản xuất ngành này tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.
Góp phần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian tới, Hậu Giang xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm.
Tỉnh thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án được giao kế hoạch năm 2023.
Cùng với đó, tỉnh chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn và kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023 do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, cũng như thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, nên một số sản phẩm công nghiệp sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu của tỉnh Hậu Giang giảm sản lượng sản xuất.
Đó là sản lượng sản xuất tôm đông lạnh gần 9.500 tấn, giảm gần 38% so với cùng kỳ năm trước, tạo ra giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) được hơn 2.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,85% trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm tỷ trọng 10,98% trong toàn ngành.
Sản lượng sản xuất nước uống có vị hoa quả 87,04 triệu lít, giảm 0,47% so với cùng kỳ, tạo ra giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) được hơn 1.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55,23% trong ngành sản xuất đồ uống và chiếm tỷ trọng gần 5 % trong toàn ngành.
Sản lượng sản xuất giày dép các loại được 6.037 nghìn đôi, giảm 15,25% so với cùng kỳ, tạo ra giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) được hơn 1.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 80% trong ngành sản xuất giày dép các loại và chiếm tỷ trọng 6,21% trong toàn ngành./.