Logo
Banner

Quốc hội thông qua gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng

Gần 350.000 tỷ của gói phục hồi kinh tế sẽ được chi cho 5 nhóm trọng tâm, trong đó có mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phát triển kết cấu hạ tầng. 

424/426 đại biểu tham dự kỳ họp bất thường (84,97% tổng số đại biểu Quốc hội) chiều 11/1 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định thời gian thực hiện trong năm 2022-2023, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung 5 nhóm vấn đề.

Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022

Theo nghị quyết được thông qua, khoảng 60.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ sẽ được chi cho mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; hơn 53.000 tỷ đồng để bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.

110.000 tỷ đồng sẽ được dành để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hơn 113.000 tỷ sẽ ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng.

424/426 đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hồng Phong.

Theo nghị quyết vừa được ban hành, Quốc hội quyết định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...).

Quốc hội cũng quyết tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Trong đó, lĩnh vực y tế sẽ được bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị Covid-19.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí bổ sung tối đa hơn 113.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng cho lĩnh vực giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù

Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù trong 2 năm 2022 và 2023. Theo đó, Quốc hội cho phép Thủ tướng và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế.

Thủ tướng xem xét, quyết định phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025).

Nhằm tạo nguồn lực, Quốc hội cho phép tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Riêng năm 2022, ước tính tăng bội chi thêm khoảng 1,1% lên mức 5,1% để có số tiền khoảng 102.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân sách Nhà nước có thể đi vay một số nguồn hợp pháp và hoàn trả khi có nguồn tăng thu hàng năm. Bộ Tài chính sẽ phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

“Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ và quán triệt nguồn lực đưa ra phải có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh.

Theo: Hoài Thu -baomoi.com

Các tin khác

Giá cá tra nguyên liệu tăng

Giá cá tra nguyên liệu tăng

 (HG) - Hiện nay, cá tra nguyên liệu loại 1 được thương lái thu mua tận ao ở mức 24.000-25.000 đồng/kg, tăng từ 500-1.000 đồng/kg so với cách nay nửa tháng. Theo các hộ nuôi cá ở thị xã Ngã Bảy, giá cá tra nguyên liệu tăng là do doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để chế biến xuất khẩu. 
Triển vọng sản xuất nông nghiệp

Triển vọng sản xuất nông nghiệp

Sau khi Hậu Giang tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế xanh thì ngay lập tức đã thu về những tín hiệu bước đầu ấn tượng từ nhà đầu tư với những dự tính về các dự án sẽ được triển khai. Từ đó, ngành chức năng tỉnh và Trung ương nhận định lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh tới đây sẽ tạo ra nhiều bước đột phá và triển vọng.
Gần 4.500 triệu USD làm đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Gần 4.500 triệu USD làm đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

(PL)- Đơn vị tư vấn đề xuất làm đường sắt dựa vào hành lang cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ để giảm thiểu chia cắt khu dân cư, giảm chi phí bồi thường…
ĐBSCL: Nhất nước về PCI nhưng thu hút FDI... bét bảng!

ĐBSCL: Nhất nước về PCI nhưng thu hút FDI... bét bảng!

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng tiếp tục có điểm số trung bình của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất cả nước, như một điển hình với hình ảnh chính quyền năng động, điểm sáng về cải cách chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh.
 Phát huy tối đa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang

Phát huy tối đa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang

 Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang cần phát huy tối đa vai trò; sớm kiện toàn, nâng chất hoạt động của Hiệp hội hơn nữa.

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp