Logo
Banner

Cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau: Dự kiến khởi công vào cuối năm nay

(HG) - Chiều ngày 16-2, tại UBND tỉnh Hậu Giang, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ về dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau).

Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (bên trái), cho biết tỉnh sẽ khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tối đa các đơn vị trong quá trình triển khai dự án.

Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau), giai đoạn 1 sẽ có quy mô 4 làn xe hạn chế; mặt cắt ngang 17m; tổng chiều dài khoảng 109,5km với tổng mức đầu tư khoảng 27.254 tỉ đồng; dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành cơ bản năm 2025. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được chia thành 2 dự án thành phần; dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, dài 36,7km; tổng mức đầu tư 9.769 tỉ đồng. Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, dài trên 72km với tổng mức đầu tư gần 17.500 tỉ đồng. Theo dự kiến của Bộ GTVT, dự án dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau) sẽ khởi công vào cuối năm 2022, các địa phương sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng từ giữa tháng 3-2022.

Phát biểu tại buổi làm việc với 5 tỉnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho rằng: Mục tiêu cuối cùng của tuyến cao tốc này là tạo điều kiện tối đa để kết nối giao thông, đề nghị đơn vị tư vấn lập dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu đề xuất của các tỉnh để gia tăng hơn nữa tính kết nối của các địa phương, phát huy tiềm năng kinh tế vùng. Riêng đoạn qua Cần Thơ, trong điều kiện cầu Cần Thơ 2 chưa đầu tư, đề nghị Ban quản lý dự án Mỹ Thuận có phương án tổ chức giao thông phù hợp.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận quan tâm các nút giao phức tạp là IC4 (kết nối Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và IC6 (kết nối Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu). Trong khâu giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ bồi thường, đề nghị các tỉnh, thành phố tích cực hỗ trợ Ban quản lý dự án, Bộ GTVT để dự án sớm được triển khai, đảm bảo tiến độ.

Tại buổi làm việc, đa số các các địa phương kiến nghị đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu kỹ hơn vấn đề kết nối các tuyến đường hiện hữu trên địa bàn. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh sẽ chủ động thực hiện thu hồi đất, cũng như điều tra hộ dân bị ảnh hưởng, chỉ đạo các ngành tỉnh xúc tiến khâu giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Hậu Giang đề nghị đơn vị quan tâm việc điều chỉnh tim tuyến tại vị trí giao với Quốc lộ 1 và đoạn giao cắt qua địa phận thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho phù hợp với quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (phải) phát biểu tại buổi làm việc.

Tuyến đường bộ Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc hệ thống đường cao tốc phía Nam và là một trong 2 tuyến trục dọc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là tuyến kết nối 2 cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Đồng thời, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực.

Nguồn: Báo Hậu Giang -Tin,ảnh: KỲ ANH

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp