Logo
Banner

Cơ hội cho làng nghề thủ công truyền thống

uBên cạnh nhiều loại nông sản chủ lực đặc trưng còn có nhiều mặt hàng phi nông nghiệp là sản phẩm thủ công, truyền thống từ các cơ sở sản xuất, tổ hợp tác ở các địa phương đã xuất hiện ở các gian hàng trưng bày của Ngày hội Tam nông và Sản phẩm làng nghề Hậu Giang 2019.

Gian hàng các sản phẩm thủ công truyền thống tại Ngày hội Tam nông và Sản phẩm làng nghề.

Trong khi nhiều người vào khu vực trưng bày tìm đến các loại thực phẩm, nông sản thì bà Lê Thị Mỹ Linh, ở phường I, thành phố Vị Thanh, vừa đi một lượt các gian hàng đã lựa chọn 2 cây chổi bông cỏ, một cây cán nhựa và một cây cán bó dây kẽm ở gian trưng bày của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh. Bà Linh chia sẻ: “Nhờ các chị phụ trách gian hàng mà tôi mới biết là chổi này làm ra trong tỉnh. Chổi gọn đẹp không thua gì hàng mua ngoài chợ mà cầm rất chắc tay, bó chổi dày”.

Những sản phẩm này làm ra tại cơ sở Ngọc Tuyền, ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Chị Nguyễn Trúc De, chủ cơ sở cho biết: Loại chổi bông cỏ bó kẽm làm thủ công, tuy nặng nhưng chắc chắn và bền. Ngoài thị trường giờ bày bán rất nhiều loại chổi cán nhựa, sợi tổng hợp có giá rẻ nhưng nhiều người vẫn chuộng loại chổi bông cỏ tự nhiên. Để phù hợp với nhu cầu của khách, cơ sở còn làm thêm chổi bông cỏ cán nhựa. Mỗi tháng cơ sở làm ra hơn 10.000 sản phẩm tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn tỉnh và các đầu mối thu mua mang đi nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan. Theo đánh giá của khách hàng, sản phẩm của cơ sở không thua các loại ở nơi khác. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm các vùng khác chuyển về, giá cả cạnh tranh nên số lượng tiêu thụ trong tỉnh chưa nhiều.

Cũng như cơ sở Ngọc Tuyền, bà Nguyễn Thị Út, ở ấp 9B, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cũng trăn trở về đầu ra của những sản phẩm truyền thống. Cơ sở của bà Út chuyên làm đũa tre tự nhiên, tuy nhiên sau 5 năm vẫn chưa xây dựng được thương hiệu vững chắc và ít có cơ hội quảng bá sản phẩm để tìm kiếm các khách hàng tiềm năng. Tham gia ngày hội cũng là dịp để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, ủng hộ để bà có động lực giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống.

Được biết, ở huyện Vị Thủy còn có nhiều tổ hợp tác làm nghề thủ công như chằm nón lá, bó chổi cọng dừa, đan rổ… Mỗi tổ từ 7-10 thành viên có thu nhập ổn định và cải thiện cuộc sống từ nghề này. Không chỉ làm kích cỡ thông thường để sử dụng hàng ngày, các chị còn chăm chút làm ra nhiều sản phẩm kích thước nhỏ hơn, chuyên dùng để trang trí nội thất trong nhà ở, quán ăn, khách sạn… Các sản phẩm này cũng có mặt tại gian hàng trưng bày thành tựu nông nghiệp và nghề nông thôn trong tỉnh để các tỉnh, thành khác có thể tìm hiểu về những ngành nghề thủ công tại Hậu Giang.

Theo nghề truyền thống đan đát 17 năm, bà Nguyễn Thị Mai, chủ cơ sở mây tre lá Tư Quyết, ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tôi tham gia hội chợ nhiều nơi, khách hàng có hứng thú và ủng hộ rất nhiệt tình các mặt hàng truyền thống, ở các đô thị đang chuyển sang dùng các sản phẩm đan đát thay thế cho vật dụng nhựa dù giá cả có cao hơn. Vì vậy, các cơ sở truyền thống cần chủ động tìm tòi và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, tạo nhiều sản phẩm có tính ứng dụng mà vẫn mang nét truyền thống”. Được biết, mỗi tháng cơ sở của bà Mai sản xuất ra 15.000-20.000 sản phẩm, đa dạng về chủng loại từ muỗng, đũa, ly, chén đến ví cầm tay, túi xách, túi đựng laptop, hộp đựng thức ăn…

Những sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Do đó, nếu thực hiện tốt các khâu từ sản xuất, phân phối đến quảng bá thì sản phẩm có tiềm năng tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Qua ngày hội tam nông, những cơ sở sản xuất, tổ hợp tác có thêm kênh quảng bá sản phẩm, học hỏi kinh nghiệm về làm nghề cũng như nhu cầu của thị trường hiện nay.

Trên hết, để nghề thủ công truyền thống phát triển ở Hậu Giang, nhất là hình thành sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), mỗi cơ sở làm nghề cần chủ động sáng tạo để sản xuất những sản phẩm độc đáo, chất lượng từ những nguyên liệu truyền thống sẵn có và phù hợp thị hiếu khách hàng. Đó là cơ sở để mở rộng và tạo liên kết chuỗi sản phẩm, đủ khả năng cung ứng số lượng lớn cho thị trường. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương phù hợp với điều kiện, tiềm năng của từng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giới thiệu và quảng bá khi hình thành được sản phẩm.

Nguồn: Báo Hậu Giang - Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp