Logo
Banner

Công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

NDO - Ngày 12/12, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chủ đề “Đổi mới-Đột phá-Quyết tâm-Khát vọng”.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị.

Đến dự có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Hậu Giang qua các thời kỳ, các nhà đầu tư, nhà khoa học…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đã thông qua Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Lưu Quang, nhấn mạnh: Quy hoạch là để có định hướng, biết mình làm cái gì, thứ hai là kiểm soát mọi việc thực hiện đúng theo định hướng đặt ra. Tuy nhiên, chuyện hôm nay đã khó, chuyện đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050 càng cực kỳ khó.

Do đó, tỉnh cần phải linh hoạt, tránh máy móc hóa sẽ không làm được gì. Phải đảm bảo tính đồng bộ giữa Quốc gia, vùng của tỉnh và các địa phương trong tỉnh, nhằm đảm bảo có tính pháp lý trong thực hiện. Phải quảng bá rộng rãi quy hoạch, xây dựng quy chế đủ mạnh để thực hiện quy hoạch, trong đó lưu ý yếu tố liên kết vùng. Đồng thời, tỉnh cần khai thác tốt giá trị văn hóa về truyền thống, tính cách con người Nam Bộ, mạnh về sự chân tình, mạnh ấm áp và hào sảng.

Biểu dương sự nỗ lực lớn của Hậu Giang trong phát triển kinh tế-xã hội, khi tốc độ tăng trưởng của tỉnh năm 2023 vươn lên đứng vị trí thứ 2 của cả nước, thu ngân sách từ vị trí thứ 13 lên vị trí thứ 7 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đạt khoảng 6.800 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Lưu Quang cho rằng, chưa bao giờ có cơ hội lớn đến với Hậu Giang như lúc này. Đó là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hai tuyến đường cao tốc địa qua địa bàn, bởi “đường đi đến đâu, giàu có đi đến đó”. Hậu Giang có đội ngũ cán bộ tiếp nối truyền thống người đi trước, khai thác được lợi thế, đã có sự thay đổi, đột phá, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm. Hậu Giang có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp, nông sản đang rất có giá. Với lợi thế, thời cơ này, tin rằng Hậu Giang sẽ có bước phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Lưu Quang cũng lưu ý: Trong điều kiện tiền ít, mong muốn nhiều, nhu cầu thì cao; quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, Hậu Giang sẽ gặp không ít áp lực khó khăn. Quy định hiện hành hiện nay còn khá chồng chéo, thậm chí có cái xung đột với nhau, chưa thật sự cởi trói để theo đuổi kịp mong muốn sự phát triển chung. Câu chuyện này không chỉ ở Hậu Giang mà là chung của cả nước.

 
Công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ảnh 1

Tỉnh Hậu Giang trao Quyết định cho thuê đất; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; biên bản ghi nhớ; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các nhà đầu tư.

Mặt khác, Hậu Giang là một trong 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu, đó là biến đổi khí hậu nhanh và khôn lường. Xâm nhập mặn, nước biển dâng, khả năng sụt giảm nguồn nước về khu vực là rất lớn, giảm lượng phù sa, nguồn cát, nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng lớn đến đến sản xuất nông nghiệp.

Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Lưu Quang đề nghị: Đối với việc khó, việc mới phải có cách tiếp cận khác. Chú trọng công tác phối hợp giữa tỉnh với Trung ương và các tỉnh thành. Người đứng đầu phải làm gương, phải truyền được cảm hướng cho mọi người. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ nhằm khắc phục tình trạng thiếu cán bộ tốt, giỏi, xứng tầm, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện Chính phủ cũng đang cải cách thể chế, sửa đổi các nghị định, thông tư và đề xuất sửa đổi luật. Tới đây, Chính phủ cũng sẽ phân cấp mạnh quyền cho các địa phương, cùng đồng hành giải quyết khó khăn vướng mắc ở các địa phương.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cam kết mạnh mẽ với Trung ương, với Chính phủ, tỉnh Hậu Giang sẽ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết đồng lòng, không ngừng đổi mới sáng tạo, triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng phát triển nhanh và bền vững, đóng góp ngày càng tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Dịp này, Ủy ban nhân tỉnh Hậu Giang trao Quyết định cho thuê đất; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; biên bản ghi nhớ; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 12 nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng.

n.

Nguồn: nhandan.vn -Tin, ảnh::Phùng Dũng

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp