Logo
Banner

Kinh tế chuyển biến tích cực

rong những tháng đầu năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Sản xuất nông nghiệp đang được đẩy mạnh để hoàn thành chỉ tiêu cả năm.

Trong 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2019, đến nay có 2 chỉ tiêu đạt kế hoạch cả năm là xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng; 11 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch (cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; chỉ số giá tiêu dùng; dân số; lao động việc làm; y tế; thông tin truyền thông và nhà ở; tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch; tỷ lệ xử lý chất thải); 2 chỉ tiêu đạt gần 50% kế hoạch (tăng trưởng kinh tế; kim ngạch xuất nhập khẩu); 4 chỉ tiêu đạt khá và sẽ xét vào cuối năm (giáo dục; tỷ lệ hộ nghèo; quốc phòng, an ninh). Kết quả bước đầu được tỉnh đánh giá là có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước.

Những kết quả khả quan

Theo UBND tỉnh, đạt được kết quả này là do sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của doanh nghiệp và đồng thuận của Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Tái cơ cấu kinh tế đã có chuyển biến tích cực và hướng đi rõ nét; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, GRDP bình quân đầu người đạt 42,06 triệu đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng đáng kể nhờ nỗ lực tái cơ cấu về tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm và diễn biến phức tạp, khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhất là đối với cây lúa, cây mía, chăn nuôi heo, nhưng nhìn chung nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2018, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao chiếm trên 72%. Công tác thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp, chất lượng nông sản và vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai khá tích cực, từ đó sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái đã có chuyển biến tốt. Các địa phương trong tỉnh cũng đã nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, khi số xã nông thôn mới chiếm tỷ lệ 52,8% tổng số xã, các xã còn lại bình quân đạt 11 tiêu chí, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh là 15,5 tiêu chí/xã, đạt 100% kế hoạch cả năm và đạt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm.

Đối với lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng ổn định; số lượng dự án thu hút đầu tư trong nước tăng; phát triển doanh nghiệp chuyển biến khá, quy mô nguồn vốn của doanh nghiệp tăng dần, cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt là qua 6 tháng đầu năm có 300 doanh nghiệp được thành lập mới, vốn đăng ký hơn 1.300 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh thì tăng trưởng kinh tế còn thấp so với kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp còn phân tán theo sản xuất truyền thống, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao, sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn vẫn còn rất hạn chế, quy mô vùng nguyên liệu nhỏ nên tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn. Tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như: dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh trên heo, cúm gia cầm... gây ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của nông dân.

Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngoài tỉnh, các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực yếu, chưa đáp ứng được theo nhu cầu của doanh nghiệp. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu; không có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc triển khai dự án của nhà đầu tư. Hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn yếu kém nên khó kêu gọi đầu tư. Chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện nhiều, nhất là dịch vụ lưu trú ăn uống, vận tải, logictics và cơ sở hạ tầng thông tin; mức tiêu dùng trong Nhân dân còn thấp; tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng còn phức tạp; chất lượng môi trường, nhất là môi trường nước đang có xu hướng bị ô nhiễm...

Tiếp tục nỗ lực những tháng cuối năm

Để hoàn thành các chỉ tiêu vào cuối năm, Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phải xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), đồng thời tiếp tục rà soát xử lý các dự án của nhà đầu tư bị chậm tiến độ. Tiếp tục phấn đấu phát triển các chỉ số tăng về năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh và đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục các chỉ số còn hạn chế. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết năm 2019, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu cơ chế vốn để tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; phát triển vùng nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng đối với các mặt hàng tỉnh đã xây dựng thương hiệu. Nghiên cứu chọn từ 1-2 sản phẩm để đầu tư đúng mức, nhằm nâng tầm thành sản phẩm tiềm năng, tạo sức cạnh tranh lớn, thương hiệu nổi tiếng. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế, đẩy nhanh tiến độ sớm đưa các dự án đầu tư vào hoạt động, nhất là các dự án ở khu, cụm công nghiệp, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các công trình trọng điểm đầu tư công.

Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu, đề xuất các cơ chế tích tụ đất đai để sản xuất hàng hóa lớn, có vùng nguyên liệu đủ lớn để liên kết theo chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao; phát triển trạm bơm điện. Tổ chức lại sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh có thêm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, chú trọng chỉ dẫn địa lý; chủ động xúc tiến đầu tư đi vào thực chất.

Chủ động xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và các dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh, đặc biệt thu hút đầu tư mới phải trên nguyên tắc có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, giải quyết nhu cầu việc làm và tăng thu cho ngân sách. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Kế hoạch khuyến công quốc gia và khuyến công tỉnh năm 2019 để hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh thiết thực, hiệu quả hơn. Đồng thời, sẽ sớm ban hành giá thuê đất cụ thể từng cụm công nghiệp tập trung nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư; cũng như ban hành quy trình giải phóng mặt bằng. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh... Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của lĩnh vực công nghiệp đạt trên 15,8%.

Ngoài ra, chủ động triển khai đúng lộ trình của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tăng cường quản lý đầu tư theo Luật Đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Kiểm soát chặt chẽ các kế hoạch điều chỉnh dự án đầu tư công. Triển khai nhanh các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu năm 2019, đáp ứng vốn đối ứng cho các dự án ODA, đẩy mạnh các hoạt động huy động nguồn vốn NGO và huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, phấn đấu hết quý III giải ngân trên 80% nguồn vốn.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập quốc tế, nhất là các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cung cấp đến doanh nghiệp những nội dung về rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là hàng thủy sản và nông sản. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện những trường hợp đầu cơ, gây mất cân bằng cung cầu, xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; quản lý giá bán theo giá niêm yết, xử lý các vi phạm về giá. Đề xuất các giải pháp để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ như thương mại, ăn uống - nhà hàng - khách sạn, logictics, vận tải...

Sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 5,71% (cùng kỳ là 8,01%; kế hoạch 7,5%). Trong đó, khu vực I tăng 2,35% (cùng kỳ là 5,77%, kế hoạch 2,5%), khu vực II tăng 8,45% (cùng kỳ là 16,14%, kế hoạch 14,17%), khu vực III tăng 6,04% (cùng kỳ là 5,3%, kế hoạch 7%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 42,06 triệu đồng/năm, tương đương 1.829 USD, tăng 8,05% so cùng kỳ và đạt 99,44% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế giữa 3 khu vực I, II, III là 22,69% - 23,61% - 53,7% (kế hoạch là 25,65% - 25,62% - 48,73%), tỷ trọng của khu vực I đã giảm 0,7% so cùng kỳ, chuyển dịch khá so với kế hoạch.

 Nguồn: Báo Hậu Giang - Bài, ảnh: HOÀI THU

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp