Logo
Banner

Luật Doanh nghiệp 2020: Điểm sửa nhỏ, bước tiến lớn

 Luật Doanh nghiệp 2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, bên cạnh những điều khoản mới còn có những điều chỉnh dù nhỏ nhưng mới mẻ và tác động tích cực tới đời sống của cộng đồng doanh nghiệp.

Liên quan tới tên trùng, gây nhầm lẫn

Điểm d khoản 2 điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó”. So sánh với quy định tương ứng tại điểm d khoản 2 điều 42 Luật Doanh nghiệp 2014, việc sửa đổi chỉ gói gọn trong việc bổ sung từ “một” trong cụm “một số tự nhiên”, thay từ “các” thành “một” trong cụm “các chữ cái trong bảng chữ cái” và loại bỏ cụm “các chữ cái” trong cụm “các chữ cái F, J, Z, W”.

Thông thường, những thay đổi nhỏ và mang tính kỹ thuật nói trên, nếu không được phổ biến và giới thiệu thì thường không được chú ý bởi các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là sự thay đổi đáng giá, thể hiện tinh thần cầu thị của nhà làm luật nhằm giải quyết các vướng mắc thực tiễn được phản ánh từ chính các doanh nghiệp và các đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý. Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về sự thay đổi được đề cập trên.

Theo quy định của luật cũ, trong trường hợp nhà đầu tư dự kiến thành lập một doanh nghiệp với tên gọi “Công ty TNHH Quốc Tế JFK”, phòng đăng ký kinh doanh, trong trường hợp này, căn cứ vào điểm d khoản 2 điều 42 Luật Doanh nghiệp 2014, có thể nhận định trong trường hợp đã có một công ty TNHH khác đăng ký tên riêng có chứa cụm từ “Quốc Tế” hoặc “JFKorea” hoặc “JF…” thì tên doanh nghiệp “Công ty TNHH Quốc Tế JFK” có thể bị coi là gây nhầm lẫn do chỉ khác với doanh nghiệp cùng loại “các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ F, J, Z, W”.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, chỉ có các trường hợp cố tình đặt tên gây nhầm lẫn cho việc nhận dạng thương hiệu như “JFKK” hoặc “JFK1”, “JFK-1” thì mới đủ điều kiện cấu thành thành tố “gây nhầm lẫn” theo tinh thần của luật.

Cởi trói việc quản lý con dấu

Luật Doanh nghiệp 2020 điều chỉnh quy định về con dấu của doanh nghiệp, theo đó loại bỏ yêu cầu bắt buộc về việc con dấu phải bao gồm các nội dung “Tên doanh nghiệp” và “Mã số doanh nghiệp” cũng như nghĩa vụ “thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”(1).

So sánh với các quy định trước đây, quy định sửa đổi của Luật Doanh nghiệp 2020 cho thấy sự cởi mở trong tư duy quản lý nhà nước. Giai đoạn làm Luật Doanh nghiệp 2014, vẫn còn những lo ngại, băn khoăn khi chuyển việc quản lý con dấu từ thủ tục đăng ký với cơ quan công an sang thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh thì nay đến Luật Doanh nghiệp 2020 đã tiến thêm một bước nữa để cởi trói hoàn toàn việc quản lý con dấu của doanh nghiệp.

Cụ thể, thay vì quy định việc thông báo mẫu dấu với cơ quan nhà nước như một bước xác thực giá trị pháp lý của con dấu, doanh nghiệp có thể hoàn toàn chủ động trong việc quản lý con dấu của mình, kể cả nội dung mẫu dấu mà không cần phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước.

Về khía cạnh thương mại, việc được trao toàn quyền quyết định trong việc thiết kế và sử dụng con dấu sẽ là một cơ hội để doanh nghiệp truyền tải thông điệp, nội dung cũng như những chân giá trị mà doanh nghiệp đó xây dựng. Bên cạnh việc đảm bảo các giá trị pháp lý, con dấu giờ đây, với sự cởi trói về mặt hình thức, còn được sử dụng để phục vụ như một biểu tượng thương mại.

Bỏ nghĩa vụ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý

Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nghĩa vụ báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp. Theo đó, trong thời hạn năm (05) ngày kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp của những người nắm giữ các chức danh quản lý doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Để giảm tải các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2020 đã loại bỏ nghĩa vụ trên.

Việc loại bỏ nghĩa vụ này là một thay đổi được hoan nghênh, đặc biệt từ các doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức xuyên biên giới với các chức danh quản lý được nắm giữ bởi những nhà điều hành ngoại quốc, những cá nhân do đặc thù công việc phải liên tục di chuyển nơi ở cũng như nơi công tác, dẫn đến nhu cầu thay đổi về địa chỉ liên lạc.

Điều chỉnh thời hạn thông báo trước khi tạm ngừng kinh doanh

Trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nghĩa vụ thông báo bằng văn bản của doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh không chậm hơn 15 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Đối chiếu với quy định về thời hạn yêu cầu thông báo trước mười lăm (15) ngày làm việc như hiện nay, cộng thêm ít nhất ba (03) ngày làm việc để phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy xác nhận đăng ký tạm ngừng cho doanh nghiệp trong trường hợp hồ sơ đã đầy đủ(2). Như vậy, trên thực tế, việc cấp thông báo tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp có thể kéo dài tới ít nhất ba tuần trước khi doanh nghiệp có thể chính thức tạm ngừng.

Sự chậm trễ và kéo dài về thời hạn đã biến một cơ chế được nhà làm luật thiết kế như một công cụ hữu ích cho doanh nghiệp ứng phó trước những thay đổi của thị trường (như khi gặp đại dịch Covid) trở thành thủ tục pháp lý để tạm ngừng hoạt động. Các báo cáo gần đây của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn là 29.169, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức cao nhất trong giai đoạn 2015-2020(3).

Luật Doanh nghiệp 2020 đã điều chỉnh thời hạn, rút ngắn từ mười lăm (15) ngày làm việc thành ba (03) ngày làm việc theo quy định tại khoản 1 điều 206. Việc rút ngắn trên đã trao cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một công cụ để phản ứng nhanh và xử lý tình thế trước sự biến đổi nhanh chóng của thị trường.

Giải phóng cơ chế chuyển đổi của doanh nghiệp tư nhân

Cuối cùng, một điều chỉnh đáng được ghi nhận là sự đột phá của Luật Doanh nghiệp 2020 so với các quy định trước đây là quy định về cơ chế chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần và công ty hợp danh tại điều 205.

Đối với việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và ngược lại, Luật Doanh nghiệp 2014 đã giữ nguyên các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, chỉ cho phép sự chuyển đổi giữa hai loại hình công ty trên và không quy định cho phép việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, để một doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty cổ phần sẽ phải thực hiện qua hai bước. Doanh nghiệp tư nhân trước tiên phải chuyển đổi sang công ty TNHH và từ đó tiếp tục chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần. Cơ chế chuyển đổi gián tiếp trên thực tế tiêu tốn rất nhiều thời gian của nhà đầu tư cũng như tạo ra một gánh nặng lớn đối với yêu cầu về việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục và giấy tờ.

Luật Doanh nghiệp 2020 đã giải quyết các vấn đề trên thông qua quy định cho phép doanh nghiệp tư nhân có thể lựa chọn chuyển đổi trực tiếp thành công ty TNHH, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quy định tại điều 205. Quy định này không chỉ giải tỏa gánh nặng về thủ tục hành chính mà còn rút ngắn thời gian bị lãng phí cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

(*) Công ty Luật TNHH DIMAC

(1)­ Khoản 2 điều 43 Luật Doanh nghiệp 2014

(2) Khoản 4 điều 57 Nghị định 78/2015/NĐ-CP

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp