Logo
Banner

Sẽ xem xét cho hộ vay gia hạn nợ

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Hậu Giang đã thực hiện nhiều chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ chính sách làm ăn và đã phát huy hiệu quả nguồn vốn. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Nguyễn Thanh Triều (ảnh), Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Hậu Giang, cho biết:

- Chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất là một cấu phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của địa phương. Chính sách này đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp đều chung tay vào cuộc, thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương và nhu cầu của người dân; được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, đang nộp lãicho thành viên vay vốn tại điểm giao dịch xã.

Thời gian qua, tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân từ 2%. Hộ vay vốn đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống… góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.

Thưa ông, trong các chương trình tín dụng, hiện nay những chương trình nào hiệu quả nhất ?

- Hiện nay, đối với nguồn vốn từ Trung ương, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã thực hiện cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình cho vay từ nguồn vốn địa phương. Các chương trình tín dụng chính sách này có thể phân chia ra thành nhiều nhóm chương trình. Cụ thể, nhóm chương trình cho vay để sản xuất kinh doanh, nguồn vốn từ các chương trình cho vay này giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh, từng bước tạo và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhóm chương trình cho vay hỗ trợ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, như: hỗ trợ xây dựng nhà ở, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh… Nguồn vốn vay của chương trình này hỗ trợ cho người dân nâng cao mức sống, đảm bảo sức khỏe, đảm bảo hợp vệ sinh trong sinh hoạt. Nhóm chương trình cho vay tạo việc làm, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, nguồn vốn của nhóm chương trình này tạo việc làm cho người dân, đào tạo cho người dân có tay nghề ổn định, từ đó có thêm cơ hội để tìm kiếm việc làm tăng thu nhập cho bản thân, cho gia đình, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội (chương trình cho vay học sinh, sinh viên), nhóm chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số…

Tuy chi nhánh thực hiện cho vay rất nhiều chương trình tín dụng chính sách, nhưng mỗi chương trình đều hỗ trợ cho hộ nghèo, người dân trên địa bàn ở một góc độ nhất định.

Thưa ông, để giúp cho hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, ngân hàng có phương án hỗ trợ cho người dân như thế nào ?

- Đối tượng của chính sách ưu đãi tín dụng là những hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng yếu thế của xã hội cần được trợ giúp. Chính sách đã thể hiện quyền được bảo đảm về an sinh xã hội của người dân, đặc biệt là những người dân nghèo cần được trợ giúp an sinh xã hội để vươn lên thoát nghèo đảm bảo cuộc sống. Do vậy, ngay từ khi được vay vốn, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được NHCSXH, chính quyền địa phương, tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể hướng dẫn, tuyên truyền về cách thức sử dụng vốn vay, được giới thiệu, tập huấn những mô hình làm ăn hiệu quả để hộ vay áp dụng. Tuyên truyền, vận động hộ vay hàng tháng phải tích lũy để gửi tiết kiệm vào tổ tiết kiệm và vay vốn, đây là phần tích lũy quan trọng của hộ vay để trả nợ dần theo phân kỳ và trả nợ gốc khi đến hạn. Trong quá trình vay vốn hộ vay còn được NHCSXH, hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn động viên, nhắc nhở hộ vay thực hiện trả nợ theo phân kỳ, thông báo nợ đến hạn trước nhiều tháng để hộ vay có sự chuẩn bị nguồn vốn trả nợ.

Thưa ông, ngân hàng làm gì để người dân không phải lo tiền trả nợ làm hồ sơ vay lại mỗi khi hết hạn hợp đồng ?

- Trong quá trình thực hiện phương án nếu hộ vay gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan (thiên tai, lũ lụt, bệnh tật, hỏa hoạn và dịch bệnh) thì tùy vào mức độ rủi ro mà NHCSXH có mức xử lý phù hợp (có thể gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ). Trong trường hợp đến hạn trả nợ do chưa đến kỳ hạn thu hoạch của phương án đầu tư, hộ vay chưa có tiền trả nợ thì được NHCSXH xem xét cho gia hạn nợ một hoặc nhiều lần. Tổng số lần gia hạn đó không vượt quá 12 tháng đối với món vay ngắn hạn và bằng phân nửa thời gian đối với món vay trung, dài hạn. Vậy nên, nếu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phối hợp thực hiện tốt các nội dung nêu trên thì không phải lo không có tiền để trả nợ khi đến hạn.

Xin cảm ơn ông !

Nguồn: Báo Hậu Giang - T.XOÀN thực hiện

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp