Logo
Banner

Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp

“Các bộ, ngành, địa phương rà soát các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, có kế hoạch xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả, dứt điểm” là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp, chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, diễn ra vào cuối tuần qua.

Doanh nghiệp trong tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực vượt khó, sản xuất trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn.

Cái khó của doanh nghiệp

Ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần may Nhà Bè - Hậu Giang, cho biết giá xăng, dầu tăng đã đẩy chi phí vận chuyển (logistics) của doanh nghiệp lên cao. Bên cạnh đó, đơn vị cũng gặp khó về nguồn nguyên liệu đầu vào. Ông Tuấn lấy ví dụ, nếu như trước đây, một ký trấu doanh nghiệp thu mua làm chất đốt chỉ tốn 1.500 đồng thì nay tăng lên 3.000 đồng/kg. Mức giá tăng gấp đôi khiến doanh nghiệp phải tính toán kỹ trong thu chi làm sao phải cân đối mà vẫn đảm bảo chất lượng sản xuất.

Lý giải khó khăn chung của ngành may mặc hiện nay, Giám đốc Công ty Cổ phần may Nhà Bè - Hậu Giang, nhận định lạm phát tăng cao tại Mỹ và các nước châu Âu đang khiến người tiêu dùng tại đây thắt chặt chi tiêu nên phía đối tác khó bán được hàng.

“Người ta không bán được, tồn đọng rất nhiều, khách hàng không đặt đơn hàng nữa dẫn đến họ không có đơn hàng thì họ không cung cấp vải. Vải thì không thiếu mà khó khăn là do nguồn hàng bên đầu ra không bán ra được do lạm phát”, ông Lê Đình Tuấn bày tỏ.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, tỉnh hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp, anh chị em công nhân tại tỉnh có tinh thần làm việc hăng say. Dù vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế biến động như hiện nay, doanh nghiệp mong muốn tỉnh và các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Về phía mình, đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực, vượt thách thức sản xuất, kinh doanh.

Còn ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen Logistics), cho biết: Rào cản lớn nhất hiện nay là tất cả chi phí đầu vào đều tăng. Thứ hai, giới hạn tín dụng của ngân hàng hết room (giới hạn cho vay của ngân hàng).

“Dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu dần phục hồi. Tuy nhiên, chưa bằng lúc trước dịch, hiện doanh nghiệp đang tập trung những thị trường cũ. Kiến nghị các ngân hàng mở room cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất”, ông Hoài bày tỏ.

Có thể thấy, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang đối mặt là sức ép lạm phát, giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thiếu hụt lao động; khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; cung và cầu bị ảnh hưởng lớn. Thị trường xuất khẩu có khả năng thu hẹp do nhu cầu tại các nước nhập khẩu giảm. Các rào cản pháp lý chưa được giải quyết triệt để; quy mô, năng lực, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế. Ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chưa như kỳ vọng…

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ ra rằng: Nguy cơ, nút thắt hiện nay là tài chính, nguồn vốn, đây là mạch máu quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt trong tái cấu trúc và phục hồi sau dịch. Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết, đặc biệt cần khai thông hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị định 31. Việc bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm cũng như giai đoạn sau này rất quan trọng.

Trước những khó khăn về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu sau Covid-19 đòi hỏi chúng ta có nguồn nhân lực để nắm bắt. Để làm được điều này cần có giải pháp lớn của Chính phủ, sự tham gia của doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện mô hình kết nối Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực.

“Cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp gồm các chi phí về thời gian, chi phí về nhân lực và chi phí tiền bạc”, Chủ tịch VCCI đề xuất.

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Kết luận Hội nghị với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp; đồng thời có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn cần tập trung triển khai. Đó là khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vắc-xin theo mục tiêu đã đề ra. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng khẳng định: Chưa bao giờ chúng ta dành nguồn lực lớn như trong nhiệm kỳ này cho phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Các doanh nghiệp tham gia vào các công trình hạ tầng chiến lược cũng phải vào cuộc trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, chung sức, đồng lòng cùng cả nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với đó, cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh triển khai thủ tục trực tuyến, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, kể cả tham nhũng vặt.

Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nhân cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn. Mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển bền vững, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Nguồn: baohaugiang -Bài, ảnh: NGUYÊN TOÀN

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp