Logo
Banner

Vực dậy vùng đất “chín rồng”

Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng tốc độ phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của vùng. Do đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước là công cụ quan trọng hàng đầu cho vùng đất “chín rồng” cất cánh.

Cảng Vinalines Hậu Giang.

Bài 1: Vùng đất nhiều tiềm năng

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là cuộc cách mạng trong giai đoạn mới để phát triển bền vững và mang lại sự thịnh vượng cho vùng đất nhiều tiềm năng này.

Những chuyển biến tích cực

ĐBSCL, vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mekong, chiếm khoảng 20% dân số, 12% diện tích cả nước, đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp 15,4% GDP của cả nước. Nơi đây, đã hình thành nhiều khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung, với quy mô ngày một lớn; đã trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của nước ta.

ĐBSCL đã thành công trong việc xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ đã giảm từ mức rất cao là 36,9% vào năm 1998 xuống còn 5,2% vào năm 2016 và tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016-2020.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tất cả các tỉnh ĐBSCL đều tăng trưởng rõ rệt 5 năm trở lại đây. Nhiều dự án hạ tầng lớn, có tính lan tỏa, kết nối nội vùng và liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu đã ra đời như: Cái Lớn - Cái Bé, cống Ninh Quới, khánh thành 51km cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các công trình ngọt hóa Bến Tre, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ…

Là tỉnh trẻ nhất trong vùng, nhưng Hậu Giang đã có những bước đi táo bạo với khát vọng lớn và quyết tâm thoát khỏi “vòng xoáy đi xuống”. 5 năm gần đây, tỉnh ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II, từ 16% GRDP năm 2010 lên 27% năm 2020, đây là mức tăng rất cao. Thu ngân sách tăng trưởng khá tốt 16%/năm.

Ngoài ra, tỉnh còn “ghi điểm” về cải cách hành chính. Địa phương là tỉnh đầu tiên ĐBSCL công bố Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương, gọi tắt là DCCI. Tỉnh thường xuyên gặp gỡ, động viên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với quan điểm “Công việc của người dân, doanh nghiệp cũng là công việc của chính quyền”. Chính điều này, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh cấp mới 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký gần 6 triệu USD; cấp mới 39 chủ trương đầu tư với tổng số vốn trên 6.360 tỉ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư là 315 dự án.

Do đặc tính hàng hóa nông thủy sản, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị cao, yêu cầu sự nghiêm ngặt trong công tác bảo quản và vận chuyển bằng công nghệ lạnh - mát, hạ tầng logistics là một mắt xích thiết yếu trong chuỗi giá trị, tăng năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp ĐBSCL. Là doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cung cấp dịch vụ logistics nông sản uy tín đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Công ty TNHH MTV thực phẩm Hạnh Nguyên đã đầu tư, đưa vào sử dụng kho lạnh, kho cấp đông bảo quản nông sản với diện tích 20.000m2 ở Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 1, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Công suất cấp đông trái cây 100 tấn/ngày đêm; kho lạnh có sức chứa khoảng 12.000 tấn thành phẩm, tổng mức đầu tư hơn 243 tỉ đồng.

Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc Cấp cao thị trường JLL Việt Nam nhận định, khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa yếu dẫn tới trái cây dễ hư hỏng, thời gian trữ ngắn nên không thể cạnh tranh ngay sân nhà. Việc Hậu Giang có doanh nghiệp chuyên về logistics giải quyết các rào cản một cách bài bản, đưa nông sản của vùng vươn xa.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin: Với lợi thế về vị trí địa lý là trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu, giáp ranh thành phố Cần Thơ, giao thông đa dạng cả đường thủy và đường bộ; quỹ đất phát triển khu, cụm công nghiệp còn khá nhiều. Diện tích đất đai trong tỉnh còn nhiều, mặt bằng giá đang thấp hơn so với khu vực lân cận nên dư địa cho phát triển của tỉnh còn rất nhiều. Đặc biệt, có hơn 60% dân số đang trong độ tuổi lao động, là nguồn lực vô cùng quý giá.

Hậu Giang có thế mạnh về các loại nông sản, phục vụ công nghiệp chế biến.

Nền tảng quan trọng

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nhận định: Rõ ràng kết quả kinh tế của ĐBSCL thời gian qua, chúng ta đã đạt thành tựu rất cao. Lực lượng doanh nghiệp phát triển và ổn định. Tuy nhiên, so sánh với những vùng kinh tế khác của cả nước cũng như sức cạnh tranh trên trường quốc tế thì năng lực cạnh tranh của ĐBSCL đang gặp nhiều bất lợi. Nếu chúng ta không giải quyết bài toán này thì sẽ gặp khó khăn.

“ĐBSCL đang hạn chế về hạ tầng, hạ tầng logistics không tạo cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, như vậy trong viễn cảnh tương lai doanh nghiệp không những khó cạnh tranh trong nước mà còn trên thế giới. Để tạo ra sức bật mới rất cần sự quan tâm của Chính phủ, Trung ương và sự nỗ lực của chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để thay đổi cục diện. Nếu những vấn đề này được giải quyết đồng bộ thì bức tranh kinh tế ĐBSCL mới sáng sủa, còn không chúng ta sẽ thấy vấn đề đặt ra lớn hơn và kéo dài làm trì trệ nền kinh tế của vùng”, ông Nguyễn Phương Lam khẳng định.

Đồng quan điểm này, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, nguyên Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, cho biết: “Tôi cũng nhìn thấy một loạt cơ hội cho đồng bằng. Cơ hội đầu tiên đó là nếu chúng ta giữ được đồng bằng với môi trường tương đối sạch, các dịch vụ thân thiện với môi trường, xây dựng được nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng được công nghệ sạch như: năng lượng sạch, sản xuất hữu cơ thì đấy chính là tương lai của ĐBSCL, bởi vì xu thế chung của thế giới cũng như xu thế của Việt Nam là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng sẽ đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao hơn, dịch vụ tốt hơn, sạch hơn, thân thiện môi trường hơn, đó là những điểm lợi sẵn có của đồng bằng”.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho rằng, 13 tỉnh ĐBSCL cần nhìn về một hướng, với nhận thức chung, mục tiêu chung và sớm xóa bỏ “xung đột lợi ích”; từ đó chủ động trong hợp tác, liên kết với nhau với phương châm “muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Bên cạnh đó, khu vực ĐBSCL phải thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia nên thiệt thòi hơn so với các khu vực khác trong phát triển kinh tế; vì vậy, Chính phủ cần có sự ưu ái, tính toán hợp lý hơn trong phân bổ vốn đầu tư công, đồng thời nghiên cứu lại chính sách an ninh lương thực theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra giá trị trên từng diện tích đất cao hơn, từ đó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL không phải là thách thức mà là cơ hội để nông dân thoát nghèo và làm giàu.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khẳng định, các tỉnh ĐBSCL cần phải thay đổi và xoay góc nhìn cũng như cách làm. Chuyển từ chú trọng về lượng sang về chất; cạnh tranh bằng giá rẻ sang cạnh tranh bằng giá trị gia tăng cao; cạnh tranh thuần túy, tức là chạy theo khách hàng dễ tính sang chấp nhận tái cơ cấu, chuyển đổi sang khách hàng khó tính. Bởi chỉ có phục vụ khách hàng khó tính, đáp ứng yêu cầu của họ mới tự nâng mình lên. Tức là nền tảng có sẵn bây giờ xoay góc nhìn từ truyền thống, lạc hậu chuyển sang góc nhìn hiện đại phù hợp với thời thế hơn thì tôi tin rằng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho đồng bằng”.

Vùng đất trù phú ĐBSCL luôn năng động và phát triển, vì vậy để đáp ứng yêu cầu cần phải có những chính sách đầu tư hợp lý, nhất là về hạ tầng để cho vùng đồng bằng cất cánh.

Nguồn: Báo Hậu Giang -Bài, ảnh: H.THU - N.HƯỞNG

Bài 2: Tháo “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp