Logo
Banner

“Thời kỳ vàng” đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm (kỳ 2)

Vì sao nói Hậu Giang đang trong “thời kỳ vàng”? “Thời kỳ vàng” của tỉnh thể hiện ở những phương diện, yếu tố nào? Trả lời đúng, đủ những câu hỏi này sẽ là “chìa khóa” để Hậu Giang tận dụng tốt thời cơ đã đến.

Bài 2: Khi “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” hội tụ

“Chưa bao giờ Hậu Giang đứng trước thời cơ, tiềm năng, hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa như giai đoạn hiện nay”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh như vậy khi nói đến “thời kỳ vàng” của tỉnh.

Có hơn 100km đường cao tốc đi qua là lợi thế lớn cho Hậu Giang phát triển.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” hội tụ

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành phân tích: Thiên thời là vừa qua Trung ương rất quan tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, trong đó Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13 “về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết số 13 khẳng định vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; đồng thời, Trung ương đang tập trung nguồn lực để đầu tư cho vùng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó nhiều dự án đi qua tỉnh Hậu Giang như: tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Trần Đề (Sóc Trăng)…

Đó chính là nguồn sức mạnh ngoại lực quan trọng để tỉnh vận dụng, kết hợp với sức mạnh nội lực; và là thời cơ rất thuận lợi để Hậu Giang bứt phá vươn lên phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.

Về địa lợi, Hậu Giang nằm ở trung tâm của các tỉnh Nam sông Hậu, 2 tuyến cao tốc: Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Trần Đề (Sóc Trăng) đi qua tỉnh với chiều dài 100km, chiếm 1/3 chiều dài của 2 tuyến cao tốc đó, mở ra không gian để tỉnh phát triển về công nghiệp, đô thị và logistics.

Vấn đề nữa là Hậu Giang có tiềm năng phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Tỉnh có diện tích đất nông nghiệp đủ lớn với 134.000ha, với đất đai thổ nhưỡng rất trù phú, phù hợp với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đây, tỉnh sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Về công nghiệp, Hậu Giang có diện tích đất công nghiệp và diện tích tiềm năng để được sử dụng đất công nghiệp khá lớn. Đặc biệt là vừa qua, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế hiện có, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt diện tích đất công nghiệp của tỉnh từ đây đến năm 2030 là 2.200ha, lớn thứ hai vùng ĐBSCL.

Về nhân hòa, truyền thống đoàn kết của tỉnh tạo nên sức mạnh tổng hợp. Lãnh đạo tỉnh có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, có quyết sách đúng đắn và đặc biệt là có khát vọng phát triển, trên cơ sở đó lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc khơi thông các tiềm năng, thế mạnh để phát triển.

Chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra tiềm năng, lợi thế của tỉnh

Với góc nhìn từ các chuyên gia, nhà khoa học, Hậu Giang đang sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có.

Trong Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, Hậu Giang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là nơi triển khai đầu tiên.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, đây là tin rất vui, mở ra 1 vận hội mới cho tỉnh Hậu Giang, diễn ra trong bối cảnh năm 2024 là năm Giáp Thìn, hy vọng đây là năm “rồng vàng” cho Hậu Giang, mỗi người nông dân đều được “vàng rồng” từ năm này.

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng phân tích: Gọi là vận hội mới vì hạt gạo, hạt lúa của Hậu Giang sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu sẽ rất cao, lôi cuốn tất cả các ngành chế biến sâu của hạt gạo, khẳng định thương hiệu hạt gạo Hậu Giang vốn đã có từ nhiều năm trước đây được bền vững hơn, phát triển hơn. Điều quan trọng hơn nữa là khi tham gia Đề án sẽ huy động được nguồn lực không nhỏ của cả nước về cho Hậu Giang, với vốn khoa học - công nghệ, quảng bá thị trường, một cơ hội không phải tỉnh nào cũng có được.

“Thực hiện đề án này còn mang đến một vấn đề rất quan trọng nữa là giúp cho Hậu Giang tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường. Đây còn là vận hội để bà con nông dân thay đổi tập tục thói quen, đi vào sản xuất chuyên canh, sản xuất chất lượng cao, giảm phát thải và tăng trưởng xanh”, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng còn cho rằng tỉnh ta đang có những lợi thế và cơ hội của “người đi sau”, bởi quỹ đất của tỉnh còn rất lớn, điều này rất quan trọng cho sự phát triển công nghiệp. Hậu Giang đi sau nên có quyền và có đủ điều kiện để lựa chọn các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp; đi sau sẽ đỡ trả giá về môi trường mà các tỉnh đi trước đã từng gặp phải, không đánh đổi môi trường để theo một tăng trưởng viễn vong nào đó. Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hiện nay như là yêu cầu bắt buộc phải làm, Hậu Giang đi sau nên có điều kiện để rút tỉa kinh nghiệm từ những địa phương đi trước.

Các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh có nhiều tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn sẽ là lợi thế để Hậu Giang thu hút doanh nghiệp đến làm ăn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu tỉnh không tận dụng được thì cơ hội sẽ trôi qua và chuyển sang địa phương khác khi cao tốc nối dài và mở rộng qua các vùng đất khác, các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng nỗ lực cải cách và cạnh tranh phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL, có hơn 100km đường cao tốc đi qua rõ ràng là một lợi thế, cơ hội lớn của tỉnh Hậu Giang.

Đáng chú ý, ông Lam thấy được trong các quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh đều có những trung tâm tận dụng tối đa các đầu mối giao thông của cao tốc, đây là chiến lược rất phù hợp, hợp thời, đón đầu được cơ hội phát triển của tỉnh.

Còn theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hậu Giang có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm logistics của vùng. Với vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, địa phương là cầu nối giữa hệ thống sông Hậu và hệ thống sông Cái Lớn, là nơi có nhiều tuyến giao thông thủy, bộ của quốc gia đi qua, đặc biệt là tiếp giáp với thành phố Cần Thơ. Hậu Giang được tiếp cận với hệ thống cảng biển cấp 1 quốc gia, cũng như sân bay quốc tế ở Cần Thơ. Như vậy có cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế có sẵn để phục vụ logistics hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh có lợi thế về nguồn hàng, thế mạnh về hạt gạo, hàng trái cây, thủy sản, đặc biệt là theo xu hướng phát triển hiện nay thì các ngành nông nghiệp không chỉ dừng lại ở sản xuất thô, mà còn được đầu tư để phát triển vào những lĩnh vực giá trị gia tăng như về giống, về canh tác, về chế biến sâu, bảo quản và phát triển thị trường. Chính vì vậy, tỉnh trẻ có cơ hội để phát triển các dịch vụ và chuỗi cung ứng chuyên sâu, những dịch vụ logistics chuyên sâu cho nông sản. Đây là dịch vụ có tính đặc thù, không nơi nào khác ở Việt Nam có được.

Ông Đào Trọng Khoa đánh giá, tỉnh nhà còn có thế mạnh về liên kết vùng, với vị trí trung tâm vùng và có sự liên kết với thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, vì thế các chuỗi nông sản quan trọng của vùng hầu hết đều đi qua tỉnh. Có cảng được xếp loại 2, cùng với Cần Thơ kết hợp lại thành hệ thống cảng biển cấp 1 của quốc gia.

Ngoài ra, điều hết sức quan trọng là tỉnh có sự quan tâm và đánh giá đúng đắn về tầm quan trọng của dịch vụ logistics. Đây chính là cơ hội để Hiệp hội logistics Việt Nam và các hội viên sau này có thể sẽ tham gia sâu vào hoạt động logistics, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế của tỉnh.

Từ nhận định, đánh giá của lãnh đạo tỉnh cũng như các chuyên gia, nhà khoa học giúp cấp ủy, chính quyền tỉnh hiểu rõ về “thời kỳ vàng” đang đến với Hậu Giang. 10 năm tới sẽ là hành trình giải phóng những tiềm năng, biến thành tiềm lực để xây dựng tỉnh trẻ phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm. Người dân có thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vào tương lai tươi sáng. Tỉnh Hậu Giang đang rất sẵn sàng cho hành trình bứt phá.

Đột phá chiến lược

Sự ra đời của Chương trình hành động số 50 về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Đây là lần đầu tiên sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành chương trình hành động với những mục tiêu, chủ trương, giải pháp cụ thể mang tính chiến lược; xác định 3 khâu đột phá chiến lược nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực, tận dụng thời cơ, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.

Ở mỗi đột phá chiến lược, tỉnh đã thể chế hóa thành các nghị quyết, đề án, chương trình cụ thể để thực hiện.

 

Nguồn: baohaugiang - Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Sự kiện - Giới thiệu Doanh nghiệp